Deep Web là gì? Nó có thật sự nguy hiểm và đáng sợ như những lời đồn đại hay không? Có rất nhiều những thông tin, những huyền thoại creepy thêu dệt nên những sự huyền bí quá mức về Deep Web nên bài viết này hôm nay xin phép được chia sẻ một cách khách quan nhất những kiến thức của tôi về Deep Web cũng như cách bảo vệ mình trong thế giới Internet.
Deep Web là gì?
Deep Web (hay còn gọi là Web Chìm) là một khái niệm dùng để chỉ những website không được index bởi các bộ máy tìm kiếm thông thường như Google, Bing, Yahoo! Search... và cần phải sử dụng những cách thức đặc biệt hơn để truy cập. Nói một cách dễ hiểu hơn, những trang Deep Web sẽ không bao giờ được tìm thấy bằng cách tìm kiếm thông qua các công cụ tìm kiếm bình thường.
Để truy cập được vào các trang Deep Web bạn sẽ cần phải dùng tới những công cụ, giao thức chuyên biệt. Điều này hoàn toàn trái ngược với những trang web như Facebook.com, VnExpress.net... chúng được gọi là những trang Surface Web (Web Nổi) vì chúng có thể được tiếp cận bởi hàng triệu người dùng Internet, việc tìm được chúng trên Google là cực kỳ dễ dàng và hầu như không có sự ngăn cấm nào trong việc truy cập chúng. Nhưng có thể bạn sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng, về mặt lý thuyết, Deep Web chiếm tới hơn 90% lượng thông tin trên Internet, còn Surface Web chỉ chiếm một lượng nhỏ thông tin còn lại, thật khó tin phải không?
Nhìn vào hình minh họa ở đâu bài, bạn sẽ hình dung được quy mô khổng lồ của Deep Web. Trong khi những gì bạn có thể tìm kiếm từ Bing, Google, Wiki… chỉ được xem là một phần nhỏ của tảng băng trôi thì Deep Web và Dark Web là toàn bộ phần chìm còn lại.
Deep Web chứa những thông tin gì?
Mọi thứ bạn mà có thể tưởng tượng ra. Đó có thể là các trang mua bán sản phẩm bất hợp pháp (thuốc kích thích, vũ khí, đồ ăn cắp….), những tài liệu bị rò rỉ từ chính phủ, những thử nghiệm khoa học trái phép, những câu chuyện và hình ảnh kinh dị v.v…
Ví dụ bạn cần một cuốn hộ chiếu Châu Âu giả có tên và ảnh của mình, bạn sẽ cần tới một dịch vụ nào đó để làm ra nó, nhưng làm sao để bạn có thể tiếp cận được dịch vụ đó? Google ư? Tôi không nghĩ thế, vì những hoạt động phi pháp sẽ không bao giờ công khai đối với thế giới bên ngoài, cho dù nếu có thì khả năng lớn những kết quả tìm kiếm trỏ tới các dịch vụ phi pháp đó sẽ bị lọc và loại bỏ bởi Google.
Nói như vậy để bạn có thể hiểu rằng thông tin trên Internet không hoàn toàn là tự do, cho dù đó là Internet thì vẫn sẽ có những tổ chức đứng ra kiểm soát, chọn lọc và loại bỏ bớt các thông tin được cho là độc hại, nguy hiểm, có thể gây ảnh hưởng không tốt tới xã hội mà cụ thể ở đây là các nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm thông tin như Google, Microsoft...
Deep Web chính là nơi 100% thông tin được phơi bày, từ việc mua bán vũ khí, ma túy, các tài liệu bị cấm, những video thí nghiệm bệnh hoạn trên cơ thể người cho tới các hội kín, hội tự sát, các tổ chức ngoài vòng pháp luật... Vì lý do đó, Deep Web có thể xem như là thế giới ảo ngoài vòng pháp luật trên Internet.
Deep Web có nguy hiểm không?
Chỉ cần gõ các từ khóa tìm kiếm về Deep Web trên Google thì các bạn sẽ thấy có rất nhiều bài viết tiếng Việt về Deep Web, và thế nào các bạn cũng sẽ tìm thấy những huyền thoại về việc Deep Web được chia thành 8 tầng bảo mật ra sao và câu chuyện về một người đàn ông lang thang trên Deep Web sau đó bị bắt cóc và lấy mất một quả thận...
Nói một cách công bằng, cho dù là Deep Web hay Surface Web thì các phương thức bảo mật là luôn luôn có, cho nên việc chia tầng này nọ dù nghe có vẻ cao siêu huyền ảo nhưng thực tế đó là chuyện bình thường đối với các tổ chức, đặc biệt là các tổ chức thuộc chính phủ hoặc các tổ chức bí ẩn, bạn biết đấy, bảo mật thông tin gần như là yếu tố sống còn đối với bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.
Còn về nguy cơ bạn sẽ bị sát hại vì lang thang trên Deep Web? Tôi có thể nói như thế này, không quan trọng là Surface Web hay Deep Web thì khả năng bạn bị xâm hại, quấy rối… là như nhau nếu như bạn để lộ quá nhiều thông tin cá nhân của mình trên mạng. Bạn không tin ư? Tin tức về những người nhẹ dạ, cả tin bị lừa tiền, cướp bóc, và thậm chí bị giết hại vì kết bạn với những kẻ xấu trên Facebook xuất hiện nhan nhản trên mặt báo mỗi ngày. Điều quan trọng là cho dù truy cập vào Surface hay Deep, bạn cũng cần phải hiểu rõ và tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ bản thân trên Internet nói chung cũng như Deep Web nói riêng.
Truy cập vào Deep Web có khó không?
Nếu chỉ là ở mức độ truy cập thì câu trả lời là không, thậm chí rất dễ dàng. Tất cả những gì bạn cần làm là tải về trình duyệt Tor Browser (https://www.torproject.org/) để tiến hành truy cập vào các trang Deep Web. Tor Browser thực chất chính là trình duyệt Firefox đã được tối ưu để có thể mã hóa/giải mã và gửi/nhận các gói tin theo cơ chế hoạt động của Tor Network.
Về cơ bản, hầu như các trang Deep Web không sử dụng các tên miền thông thường như .com, .net mà sử dụng những loại tên miền khác đặc biệt hơn, ví dụ: http://zqktlwi4fecvo6ri.onion. Nếu như bạn sử dụng các trình duyệt thông thường như Chrome, Firefox thì sẽ không thể nào truy cập được.
Tên miền dạng .onion là tên miền đã được mã hóa và Tor Browser sẽ phân giải chúng dựa vào những giải thuật mã hóa đặc biệt. Trình duyệt Tor cũng được xem là một loại trình duyệt giúp bảo vệ danh tính người dùng, giấu địa chỉ IP và thông tin được mã hóa giữa client và server.
Trên thực tế, Tor có thể truy xuất tới cả Deep Web lẫn Surface Web nhưng tốc độ truy xuất tới Surface Web sẽ chậm hơn so với trình duyệt thông thường (IE, Chrome...) bởi vì phải mất nhiều thời gian hơn cho việc mã hóa/giải mã thông tin. Tuy nhiên, tôi không khuyến khích các bạn sử dụng Tor để truy cập chung Deep Web và Surface Web.
Ngoài ra các bạn có thể sử dụng Tails OS, một hệ điều hành miễn phí nhân Linux có thể chạy trực tiếp từ USB/CD/DVD cho khả năng bảo mật cao nhất cũng như giúp đảm bảo xóa mọi dấu vết của bạn sau khi truy cập Internet. Bên trong Tails đã được tích hợp sẵn Tor Browser và đã được tối ưu hóa cho việc truy cập web ẩn danh, đặc biệt là Deep Web. Hướng dẫn cài đặt và sử dụng Tails có thể được tìm thấy dễ dàng tại trang chủ tails.boum.org.
Bảo vệ bản thân trên Deep Web
1) Tôi khuyên các bạn nên tạo riêng một máy ảo (bằng Virtual Box chẳng hạn) và cài Tor Browser lên đó để truy cập Deep Web, việc này sẽ giúp bảo vệ máy tính của các bạn khỏi các nguy cơ lây nhiễm virus, nếu có nhiễm virus thì cũng chỉ ảnh hưởng tới máy ảo mà thôi.
2) Tuy nhiên, tốt nhất vẫn là sử dụng Tails OS như đã đề cập ở trên để đảm bảo tính bảo mật cao nhất.
Nếu vẫn muốn truy cập Deep Web từ Windows, hãy đảm bảo những điều sau:
1) Không sử dụng Tor Browser để truy cập và đăng nhập vào các trang Surface như Facebook, Google... Hãy sử dụng riêng 2 trình duyệt cho Surface Web và Deep Web.
2) Nên tắt Javascript trên Tor, điều này sẽ hạn chế các đoạn script tự động làm những việc mờ ám.
3) Tuyệt đối không comment khiêu khích, để lại thông tin cá nhân khi truy cập vào các trang web nhạy cảm như mua bán vũ khí, ma túy, nội tạng người... Tốt nhất hãy tự trang bị cho mình một danh tính giả khi truy cập vào Internet.
Không có gì là không thể, mặc dù trình duyệt Tor bảo đảm việc che giấu IP của các bạn nhưng vẫn rất có thể có người sẽ lần ra được IP đó và các bạn cũng biết đấy, địa chỉ IP có thể nói lên khá nhiều điều như: quốc tịch, loại mạng các bạn sử dụng, thành phố và thậm chí có thể là cả địa chỉ nhà nữa. Đừng coi thường, hãy tự bảo vệ mình, các bạn có thể tò mò nhưng đừng "trẻ trâu" trên mạng vì có thể cái giá phải trả không hề đơn giản.
4). Hãy biết chọn lọc thông tin. Surface Web vốn đã tả pí lù các loại thông tin, điển hình các bạn có thể thấy như Facebook: đủ các loại thông tin từ mua bán quần áo, tin giết người, tin chính trị, lừa đảo câu view... thì Deep Web còn hơn thế nữa và thậm chí còn độc hại hơn nhiều. Hãy biết chắt lọc những thông tin, kiến thức tốt và có ích, đừng để những thông tin xấu ảnh hưởng tới nhân cách, suy nghĩ, hành vi của mình vì điều đó có thể sẽ vô cùng nguy hiểm.
Đó cũng là những điều các bạn nên nhớ khi truy cập Surface Web. Hãy là một người sử dụng Internet thông minh.