"Chơi chó, chó liếm mặt" hay "Chơi với chó, chó liếm mặt" là một câu tục ngữ được ông bà xưa truyền lại. Tục ngữ thường là những câu nói dân gian, ngắn gọn, có nhịp điệu đúc kết những kinh nghiệm từ đời sống, sinh hoạt và tồn tại từ thế hệ này qua thế hệ khác. Tất nhiên cũng có những câu tục ngữ đã lỗi thời, không còn phù hợp với đời sống hiện đại nhưng vẫn có những câu tục ngữ mà giá trị của nó dù qua bao nhiêu thế hệ vẫn không hề thay đổi, đặc biệt là những câu về đối nhân xử thế và kinh nghiệm sống.
Quay trở lại với câu tục ngữ của ngày hôm nay: "Chơi chó, chó liếm mặt". Bản thân tôi rất thích câu nói này, tôi biết nó hình như là từ bà nội hoặc mẹ của tôi từ ngày tôi còn rất bé. Nếu tôi nhớ không lầm là vì hồi bé tôi hay đùa giỡn với mấy con chó con nên bà nội tôi đã nói câu tục ngữ này. Tất nhiên, khi đó tôi chưa thể hiểu hết được ý nghĩa sâu xa của nó mà chỉ hiểu đơn giản theo nghĩa đen có nghĩa là: "Chơi với chó nhiều thì chó nó sẽ liếm mặt mình".
Nhưng sống càng lâu trong xã hội, tôi lại càng thấm thía câu nói này hơn. Đất nước chúng ta là một đất nước Á Đông, nhưng cho dù là Á Đông hay Tây phương thì trong gia đình, xã hội vẫn cần phải có trên dưới, trước sau và sự tôn trọng lẫn nhau. Ngày còn học Đại học năm cuối, tôi đã từng gặp phải tình huống được xếp ở chung phòng với một số em năm nhất. Mọi việc ban đầu không có vấn đề gì, tuy nhiên sau một thời gian chung sống sinh hoạt, nói chuyện vui vẻ với nhau thì các em đó bắt đầu có những biểu hiện như hay nói trống không, nói hỗn, giỡn hớt như tôi cũng bằng vai phải lứa với các em ấy. Đó chính là một biểu hiện của "Chơi chó, chó liếm mặt".
Hay như khi tôi đi làm, có những người mà tôi thật sự không ưa nhưng vì tính chất công việc, tôi vẫn phải tiếp xúc với họ, cũng phải trả lời, nói chuyện xã giao đâm ra lâu ngày họ lờn mặt, bắt đầu có những câu nói tọc mạch, đụng chạm và khiếm nhã. Đó cũng chính là "Chơi chó, chó liếm mặt".
Từ đó, tôi dần dần rút ra được một bài học cho bản thân đó là chúng ta nên giữ khoảng cách với những người không phải là gia đình của chúng ta, nhất là khi chúng ta đã qua tuổi 20, không nên quá thân thiết và đùa giỡn nhiều với họ vì nó sẽ làm chúng ta khó xử sau này. Nghe có vẻ gay gắt, nhưng đó là sự thật. Bởi vì ngay cả với bạn bè rất thân, chúng ta cũng không bao giờ có thể chia sẻ hết mọi việc, những chia sẻ cá nhân của bạn với một ai đó có thể sẽ chính là điểm yếu để người ta hại bạn sau này. Bạn không tin ư? Đời người là không bao giờ đoán trước được.
Tất nhiên cũng có những người bản tính hiền lành, lịch sự, văn minh, có ý tứ nhưng thường chỉ là thiểu số, nếu gặp được những người như vậy thì chúng ta nên trân quý họ và cũng nên giữ khoảng cách, đừng nên can thiệp quá sâu vào cuộc sống của họ để họ không có cảm giác bị làm phiền. Họ không làm phiền ta thì ta cũng không làm phiền họ.
Nếu chúng ta có thể giữ được khoảng cách vừa phải với những người ngoài xã hội, chúng ta sẽ tránh bị tổn thương cũng như bị can thiệp quá nhiều vào suy nghĩ, lối sống của mình. Nếu bạn có một suy nghĩ, một quan điểm, hãy chỉ chia sẻ với những ai mà bạn thật sự tin tưởng để tránh những xung đột không cần thiết, vì sự xung đột chỉ làm bạn mệt mỏi hơn mà thôi.
Dựa vào kinh nghiệm đó, có thể suy ra rằng tôi có rất ít bạn. Đúng vậy, dù là ngoài đời thực hay trên Facebook, bạn bè thật sự của tôi cũng rất ít. Ngay cả việc viết status chia sẻ cũng chỉ giới hạn trong một số người bạn nhất định, những người mà tôi tin sẽ luôn văn minh, lịch sự và có chừng mực trong thế giới của riêng tôi. Nếu phải tiếp xúc với ai đó mà tôi không thích, chỉ đơn giản là tôi sẽ nói chuyện xã giao, nếu họ bắt đầu có những câu hỏi đi sâu vào cá nhân, hãy chuyển qua chuyện khác hoặc cáo bận để chủ động kết thúc cuộc nói chuyện, tránh cho mọi việc đi xa hơn.
Ngay cả với trẻ nít, chúng ta cũng cần phải có khoảng cách. Nghe thì có vẻ buồn cười, con nít thì biết gì chứ? Bạn không nên coi thường, trẻ nít con người ta, nếu chúng hư, ta cũng không thể dạy dỗ chúng tới nơi được vì đó không phải trách nhiệm của ta và ta cũng không có quyền. Còn nếu đó là con cháu của chúng ta thì chúng ta càng phải dạy dỗ chúng cẩn thận hơn, cho chúng hiểu được sự trên dưới và những phép tắc cư xử đúng đắn. Chúng ta không cần phải quá nghiêm khắc nhưng cần có sự can thiệp đúng lúc khi trẻ nít có những biểu hiện như: nói hỗn, chửi thề trước mặt người lớn (chửi thề không xấu nhưng chửi thề trước mặt ông bà, cha mẹ là hỗn), hay xin ăn người ngoài... Nếu bạn xuề xoà bỏ qua khi trẻ nít có những biểu hiện trên, rồi có ngày bạn phải trả giá khi những điều đó hình thành nên thói quen nơi chúng. Ví dụ như có một ngày con cháu bạn chửi bạn chẳng hạn?
Gần nhà nơi tôi ở có một gia đình hàng xóm có một đứa bé trai. Thằng nhỏ này rất mập mạp và kháu khỉnh nên gia đình tôi các chị ai cũng rất cưng và chiều nó dù nó chỉ là người dưng, chẳng phải là con cháu ruột thịt gì của mình cả. Gia đình của thằng nhỏ này cũng có vẻ không quan tâm nhiều tới con cái khi cha mẹ thì đi suốt, bà nội thì lo buôn bán nên hay thảy thằng nhỏ này qua để gia đình bên tôi trông hộ, thậm chí là cho ăn uống miễn phí, có khi là từ sáng tới chiều. Càng lớn nó càng có những biểu hiện đáng ngại như hay nói trống không, chửi thề trước mặt người lớn và đặc biệt là rất hay xin ăn. Cũng một phần do các chị em tôi hãy giỡn hớt với nó đâm ra nó lờn mặt mình.
Các chị tôi thì cưng thằng nhỏ này nên dù có dạy cũng chỉ dạy nó qua loa, vì nó cũng không phải con cháu mình nên cũng không thể đánh mắng gì được nó, và cho dù có dạy nó đi chăng nữa thì gia đình nó lại giáo dục nó một kiểu khác nên đâu lại vào đấy. Các chị tôi cho rằng nó còn nhỏ nên không sao nhưng tôi không tin điều đó, chính vào giai đoạn nó còn nhỏ nếu cứ để nó giữ thói quen như vậy thì lớn lên nó sẽ thành người như thế nào? Láo lếu, dựa dẫm và chỉ biết xin xỏ người khác... và lúc đó có cố gắng dạy nó thì cũng không ăn thua vì nó đâu có sợ mình nữa. Đó chính là "Chơi chó, chó liếm mặt" :) Tôi rất khó chịu không phải vì tôi ghét thằng bé đó, đơn giản vì tôi thấy trước lại một người Việt thiếu văn minh nữa trong tương lai chỉ vì cách giáo dục từ thuở bé :)