Ngành IT nói chung và ngành phần mềm nói riêng là một ngành công nghiệp đang tăng trưởng mạnh tại Việt Nam, nhận được nhiều sự hỗ trợ từ chính phủ. Người Việt Nam làm phần mềm có thể nói là rất giỏi và không hề thua kém các nước mạnh về outsourcing như Ấn Độ, Israel...
Tuy nhiên điều khiến các kỹ sư IT của Việt Nam có phần thua thiệt so với các nước bạn là ở khả năng ngoại ngữ hạn chế về mặt giao tiếp, dù đọc hiểu rất tốt nên nhiều khi không được đối tác khách hàng đánh giá đúng thực lực của mình.
Bản thân là một người công tác trong ngành phần mềm, tôi và các đồng nghiệp thỉnh thoảng cũng xin nghỉ phép để đi phỏng vấn ở các công ty khác. Không hẳn vì chúng tôi có nhu cầu kiếm việc mới hay bất mãn gì với công việc hiện tại, chỉ là chúng tôi muốn thử định giá lại bản thân, xem thị trường đang cần gì và chúng tôi đang thiếu gì để có thể bổ sung kịp thời phòng khi... bất trắc.
Từ ngày còn là một cậu sinh viên non nớt cho đến bây giờ khi đã có thâm niên và kinh nghiệm trong nghề, số lần đi phỏng vấn của tôi không ít thì nhiều cũng phải trên chục lần. Đó có thể là phỏng vấn vào công ty, phỏng vấn vào dự án, phỏng vấn xin visa hoặc phỏng vấn khách hàng... Cứ qua mỗi lần phỏng vấn tôi lại học được thêm rất nhiều điều và được trải nghiệm qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, vui có, buồn có, thất vọng chán nản cũng có.
Đặc thù của ngành IT là mỗi khi đi phỏng vấn, ngoài technical thì tiếng Anh hầu như là yêu cầu bắt buộc, không ít thì nhiều bạn đều được yêu cầu phải trả lời với người phỏng vấn bằng tiếng Anh từ những vấn đề cá nhân đơn giản cho tới những vấn đề nghiệp vụ phức tạp. Do đó các bạn trẻ cần đầu tư học tiếng Anh thật tốt ngay từ bây giờ nếu có ý định theo nghiệp IT lâu dài.
Ngày mới ra trường, tôi nghỉ việc ở công ty đang thực tập và xin việc vào một công ty lớn chuyên về gia công phần mềm. Đợt đó phỏng vấn gồm 3 vòng: vòng 1 là làm các bài thi trắc nghiệm về IQ, tiếng Anh và chuyên môn, vòng 2 là phỏng vấn về technical với các tiền bối và vòng cuối là deal hợp đồng. Sau khi được nhận vào công ty thì mọi chuyện bắt đầu khá khó khăn. Đặc thù ở nơi tôi làm ngày đó là các dự án của Mỹ, khách hàng đòi hỏi khá cao về mặt kinh nghiệm và tự họ sẽ đứng ra phỏng vấn người cho dự án. Ngày đó vì quá yếu technical, kinh nghiệm hầu như không có, tiếng Anh giao tiếp cũng không tốt nên 3 lần phỏng vấn với khách hàng nước ngoài tôi đều bị loại nhanh chóng. Cảm giác lúc đó của tôi là vô cùng tự ti vào bản thân, tôi đã nghĩ rằng có khi mình chọn lầm nghề.
Suốt một thời gian dài không được nhận vào dự án lớn nào, tôi bị chuyển vào lớp đào tạo của công ty để làm những dự án nhỏ mang tính chất thực hành tích lũy kinh nghiệm rồi lại tiếp tục... đi phỏng vấn. Cuối cùng mọi việc cũng sáng sủa hơn khi tự tôi đã pass thành công phỏng vấn với khách hàng Mỹ khó tính và được nhận vào một dự án chính thức. Từ đó tôi tự tin hơn đôi chút. Không lâu sau đó tôi lại được chọn đi nước ngoài công tác, mọi việc như một giấc mơ. Dự án đó kéo dài trong êm đềm được gần 3 năm thì có nhiều biến cố xảy ra nên nhân viên bị cắt giảm. Tôi lúc đó cũng bị đẩy ra khỏi dự án và phải nhảy qua các dự án khác của Nhật, Singapore trong lúc chờ đợi có việc từ khách hàng Mỹ. Nhưng cũng nhờ đó mà tôi lại học được thêm rất nhiều những kinh nghiệm, kiến thức và kỹ thuật mới từ các dự án ngắn hạn nhưng hết sức căng thẳng.
Thời gian này tôi cũng tranh thủ public CV online của mình, không lâu sau đó tôi nhận được khá nhiều lời mời phỏng vấn từ các công ty lớn nhỏ đều có. Vì cũng đã rất lâu rồi không đi phỏng vấn nên công ty nào gọi tôi cũng nhận lời. Công ty đầu tiên tôi đi phỏng vấn là một công ty nhỏ kiểu gia đình gần sân bay Tân Sơn Nhất, cuộc phỏng vấn diễn ra khá vui vẻ kéo dài trong khoảng hơn một tiếng đồng hồ. Người phỏng vấn tôi lúc đó là một tiền bối tầm khoảng trên 40 tuổi, tóc bạc trắng, nói năng điềm đạm và từ tốn. Điều đặc biệt là tiền bối hỏi tôi rất ít về technical, thay vào đó anh chỉ hỏi tôi cách giải quyết các vấn đề nghiệp vụ bằng tiếng Anh. Đó cũng là một trong những cuộc phỏng vấn mà tôi ấn tượng cũng như ưa thích nhất, không khí rất thoải mái và nhẹ nhàng, người phỏng vấn có sự từng trải và kỹ năng đặt câu hỏi nhất định để không làm ứng viên cảm thấy bị dồn ép.
Tới công ty thứ hai và thứ ba, tôi bị hỏi những vấn đề cơ bản mà đã rất lâu rồi tôi không đụng tới hoặc nếu có trả lời được thì tôi cũng bị thiếu sót ít nhiều. Lẽ dĩ nhiên, kết quả của những cuộc phỏng vấn như vậy đã rõ, sau khi bước ra khỏi phòng phỏng vấn, tôi lại một lần nữa trong đời cảm thấy mất niềm tin vào năng lực bản thân dù đã tự an ủi: "chỉ là lâu quá nên quên thôi mà". Buồn bã chán chê rồi thôi, tôi nhanh chóng ôn lại và bổ sung những chỗ hổng trong kiến thức cơ bản. Không lâu sau đó, tôi lại tiếp tục phỏng vấn cho một dự án khác khá quan trọng của khách hàng nước ngoài, và lần này tôi đã không lãng phí thời gian cũng như lấy lại được sự tự tin của mình. Tôi nghiệm ra rằng để có thể vượt qua một cuộc phỏng vấn, đôi khi không chỉ là năng lực mà đó còn là sự may mắn và cái duyên của ứng viên.
Cứ như vậy, tôi ngày càng trưởng thành và tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn qua mỗi cuộc phỏng vấn. Những cuộc phỏng vấn như một cái gì đó mà bạn cần phải vượt qua, có thể thành công hay thất bại nhưng chắc chắn bạn sẽ thay đổi, còn thay đổi tích cực hay tiêu cực hoàn toàn là ở bạn. Hãy đừng sợ phỏng vấn, chấp nhận thay đổi và lắng nghe, rồi bạn sẽ tiến xa hơn ngày hôm nay. Chúc các bạn may mắn và thành công!!!