Mỹ là một trong những quốc gia có tiềm lực tài chính, kinh tế cũng như quân sự hàng đầu thế giới. Cho dù vẫn còn đó những bất cập như nạn phân biệt chủng tộc, chính sách vũ khí tự do thì "Giấc mơ Mỹ" vẫn luôn là một ước ao đối với không chỉ những người dân Việt Nam mà còn đối với người dân ở các nước khác trên toàn thế giới.
Câu hỏi đặt ra: tôi là một công dân Việt Nam, việc đi Mỹ du lịch vượt quá khả năng tài chính của tôi, tôi cũng không có người thân ở Mỹ để bảo lãnh, vậy làm thế nào để tôi có thể trở thành một công dân Mỹ, có hộ chiếu, quốc tịch và được hưởng những quyền lợi từ Chính phủ Mỹ?
Từ trước đến nay, phần lớn người Việt Nam qua Mỹ định cư đều là nhờ người thân đã qua Mỹ trước đó (vượt biên, tị nạn, được chính phủ Mỹ đưa qua) từ sau ngày đất nước được giải phóng bảo lãnh và đem qua. Theo bài viết "Những ngả đường vào Mỹ" từ BBC Vietnamese của Bùi Văn Phú thì tác giả đã liệt kê rất chi tiết những cách để 1 người Việt Nam có thể có được quốc tịch Mỹ, tôi xin phép được tóm gọn cho phù hợp với câu hỏi đầu ở bài viết như sau:
1. Diện kết hôn: nếu bạn kết hôn với người có quốc tịch Mỹ thì nhiều khả năng bạn sẽ được bảo lãnh sang Mỹ nếu như mọi giấy tờ cũng như kết quả kiểm tra đều hợp lệ. Tất nhiên diện này sẽ được các nhân viên lãnh sự soi kỹ hơn vì họ cũng cần phải đề phòng những trường hợp kết hôn giả để có được quốc tịch Mỹ.
2. Diện đầu tư: nếu bạn đầu tư một số tiền đủ lớn vào nơi mà Chính phủ chỉ định trong một khoảng thời gian xác định, bạn sẽ được cấp thẻ xanh. Tuy nhiên, xét về câu hỏi ban đầu của bài viết là những cách để nhập tịch Mỹ cho người không có nhiều tiền cũng như người thân bảo lãnh thì phương án này không phù hợp. Tất nhiên, nếu bạn giỏi và có thể tự mình kiếm được rất nhiều tiền thì đây cũng là một phương án để xem xét.
3. Diện nghề nghiệp: đây là diện rất phù hợp cho những bạn có trình độ, năng lực cũng như sự may mắn. Nếu bạn được làm việc cho các công ty có các khách hàng Mỹ thì tuỳ theo yêu cầu của dự án, bạn có thể sẽ được yêu cầu làm việc dài hạn tại Mỹ với working visa và nếu như bạn ở đủ lâu cũng như đáp ứng được các điều kiện do phía Chính phủ Mỹ đưa ra, bạn hoàn toàn có thể lấy được thẻ xanh. Tuy đây không phải là một con đường hoàn toàn dễ dàng nhưng nó cũng là một con đường có cơ sở, đúng pháp luật và hoàn toàn khả thi nếu như bạn có khả năng cộng thêm một chút may mắn.
Ngoài ra diện nghề nghiệp cũng bao gồm cả việc học du học. Nếu như bạn có thể kiếm được 1 suất học bổng toàn phần hoặc bán phần tại Mỹ, sau đó tiếp tục xoay sở và nếu như có thêm sự trợ giúp kinh tế từ phía gia đình để có thể đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về thời gian sinh sống, giấy tờ của Chính phủ Mỹ thì việc lấy được thẻ xanh cũng không phải là không thể.
Như vậy, để trả lời cho câu hỏi đầu bài thì ngày nay cho dù bạn không có nhiều tiềm lực kinh tế nhưng vẫn có diện 1 và 3 có thể giúp bạn đường hoàng tới Mỹ, đặc biệt là diện 3 phụ thuộc hoàn toàn vào năng lực, tố chất và tất nhiên là cả sự may mắn của bạn, vậy nên hãy không ngừng cố gắng và chọn cho mình con đường phù hợp nhất nhé. Để kết thúc bài viết, mời các bạn đọc các trích đoạn của tác giả Bùi Văn Phú liệt kê khá chi tiết và đầy đủ những cách để được nhập tịch Mỹ đối với công dân Việt Nam:
❝ Với hàng triệu người Việt đã đến Mỹ định cư từ năm 1975, để trở thành công dân Mỹ đã qua các giai đoạn sau: người vượt biên, vượt biển được nhận cho định cư qua qui chế tị nạn với giấy I-94, một năm sau có thẻ xanh và 5 năm kể từ ngày đặt chân đến Mỹ thì có thể xin nhập tịch.❞
❝ Bình thường một di dân đến Mỹ khi còn trẻ, có khả năng học hiểu tiếng Anh và hiểu biết cơ bản về tổ chức công quyền, quyền lợi công dân và không phạm luật thì chừng sáu bảy năm là có thể trở thành công dân Mỹ dễ dàng. Những người lớn tuổi với khả năng tiếng Anh giới hạn, nếu trên 65 tuổi và ở Mỹ hơn 15 năm có thể xin nhập tịch bằng tiếng Việt.❞
❝ Khi làn sóng thuyền nhân vượt biển chấm dứt, đến lớp người được Hoa Kỳ nhận cho định cư theo diện HO, con lai hay ROVR, là diện hồi hương từ các trại tị nạn, vào thập niên 1990 và hầu hết cũng được hưởng qui chế tị nạn với thẻ I-94.❞
❝ Nếu đến Mỹ theo diện hôn thê hôn phu hay vợ chồng, thời gian có thẻ xanh sẽ lâu hơn vì cơ quan di trú muốn có thời gian để xác minh những đám cưới không phải những cuộc kết hôn giả tạo.❞
❝ Diện di dân theo nghề nghiệp, cao cũng như thấp, một năm chính phủ Mỹ cấp hơn một trăm nghìn visa, trong số đó khoảng 40 nghìn thuộc loại EB-3 dành cho những ngành nghề đòi hỏi có bằng cử nhân hay cao hơn từ đại học Mỹ như kiến trúc sư, kỹ sư, luật sư, bác sĩ, giáo viên các cấp và giới hạn không quá 7% số visa dành cho một quốc gia.❞
Nhiều sinh viên du học từ Việt Nam đã được định cư tại Mỹ sau khi hoàn tất học trình là qua diện này. Trung Quốc và Ấn Độ luôn sử dụng hết số visa được cấp vì quá đông dân.❞