Trong công việc và cuộc sống, đôi lúc chúng ta sẽ gặp phải những vấn đề khó khăn về chuyên môn. Đó là một cơ hội rất tốt để chúng ta có thêm kỹ năng giải quyết vấn đề và tích lũy kinh nghiệm cho bản thân.
Giải quyết vấn đề là một trong những skill rất cơ bản nhưng vô cùng quan trọng sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong quá trình làm việc. Đáng tiếc là rất nhiều những bạn sinh viên mới ra trường lại hay mắc lỗi trong cách hỏi khiến họ dễ lâm vào bế tắc vì... không ai thèm giúp đỡ. Không phải do bạn xấu, chỉ là bạn hỏi chưa đúng cách mà thôi.
Thông thường khi gặp một vấn đề mới chưa bao giờ đụng tới, chúng ta thường Google để tìm kiếm câu trả lời trước. Tuy nhiên, có những điều không thể nào chỉ Google là đủ, đó là lúc chúng ta sẽ cần phải nhờ tới các đồng nghiệp tiền bối để tháo gỡ vướng mắc.
Tuy nhiên, hỏi như thế nào người được hỏi không có cảm giác bị khó chịu và làm phiền là cả một nghệ thuật. Vì bạn cũng biết rồi đấy, khi đi làm chẳng mấy ai có thời gian để mà cầm tay chỉ việc cho chúng ta cả, nhất là trong những môi trường làm việc năng động và chuyên nghiệp, vậy nên hãy học cách hỏi làm sao để tiết kiệm thời gian cho cả đôi bên chỉ qua 2 bước đơn giản dưới đây.
Bước 1: Chia nhỏ vấn đề và tự tìm hiểu trước
Đầu tiên, chúng ta sẽ chia nhỏ câu hỏi lớn ra thành nhiều câu hỏi nhỏ, sau đó tự tra cứu tài liệu sách vở và Internet để cố gắng giải quyết càng nhiều câu hỏi càng tốt. Có thể nhờ đó bạn sẽ giải quyết được ngay vấn đề mà không cần hỏi người khác.
Tuyệt đối không bao giờ hỏi những câu kiểu như: "Cái này làm sao anh?" sẽ khiến tiền bối cực kỳ khó chịu vì họ cảm thấy bạn đang đá vấn đề của bạn sang bên họ. Hãy nhớ, luôn tự tìm hiểu trước đã, chính sự tìm hiểu đó sẽ giúp bạn có thêm rất nhiều những trải nghiệm cũng như kinh nghiệm thú vị.
Bước 2: Liệt kê những câu trả lời khả thi của vấn đề, sau đó nhờ xác nhận
Nếu sau khi đã chia nhỏ câu hỏi và tự trả lời được phần lớn các câu hỏi đó, có thể trong đầu bạn đã mường tượng ra được cách giải quyết nhưng đừng vội làm ngay nếu chưa chắc chắn. Hãy đem điều bạn suy nghĩ đến nhờ các tiến bối xác nhận bằng câu hỏi: "Anh ơi, em làm như thế này có đúng không?", đó chính là nghệ thuật hỏi mà tôi muốn nhắc tới: thay vì đem vấn đề đến nhờ họ giải quyết, hãy đem câu trả lời đến và nhờ họ xác nhận, như vậy họ sẽ cảm thấy được tôn trọng và có thiện cảm với bạn hơn, thậm chí họ còn nhiệt tình hướng dẫn thêm cho bạn nữa, tiện cả đôi đường phải không nào.
Một kỹ năng đơn giản như vậy thôi nhưng chỉ cần ghi nhớ và thực hành, bạn đã có thể tự giúp ích rất nhiều cho bản thân mình. Và tới một ngày nào đó, khi bạn đã ở một đẳng cấp mới, hãy nhiệt tình hướng dẫn lại những hậu bối còn non kinh nghiệm và bày cho họ cách hỏi thông minh nhé.