Như tôi đã nói trong những bài viết trước đây, tối giản vật chất chỉ là một khía cạnh của lối sống tối giản mà thôi. Tuy vậy, tối giản vật chất không hề đơn giản nếu như bạn không thể thực sự thay đổi từ trong suy nghĩ để mạnh dạn bỏ đi những vật dụng thuộc sở hữu của mình.
Quá nhiều đồ đạc sẽ khiến bạn mất rất nhiều công sức cũng như thời gian để bảo quản, cất giữ chúng. Dần dần, những đồ vật vô tri sẽ lấy hết tâm lực của bạn, chúng sẽ trở thành vật chủ chiếm lấy bạn. Tôi tin rằng, tối giản chính là cội nguồn của hạnh phúc. Hãy tự cởi bỏ những ràng buộc vật chất và tìm đến sự tự do, nhẹ nhàng trong tâm hồn.
Nếu bạn cảm thấy khó khăn khi quyết định vứt bỏ một món đồ thì hãy tự trả lời những câu hỏi sau:
- Món đồ này có còn giá trị sử dụng đối với bạn nữa không?
- 3 tháng gần đây bạn có sử dụng nó không?
- Trong 3 tháng tiếp theo bạn có khả năng sử dụng nó hay không và tần suất sử dụng là bao nhiêu?
- Và quan trọng nhất, món đồ này có còn mang lại niềm vui cho bạn hay không?
Nếu tất cả các câu trả lời đều là không, hãy bỏ nó đi mà không cần suy nghĩ. Đây thực sự là bước quan trọng nhất trong hành trình sống tối giản vì bạn phải vượt qua được sức đè tâm lý rất lớn. Đừng quá dằn vặt khi vứt đi một món đồ, nếu bạn thực sự không mấy khi sử dụng nó, bạn sẽ nhanh chóng quên nó đi mà thôi.
Để "bỏ" đi một đồ vật, bạn có 3 cách: vứt, cho hoặc bán.
Hãy vứt đi một món đồ nếu như nó đã bị hư hại nặng, không thể sửa chữa. Nếu một món đồ còn tốt, hãy cân nhắc giữa việc đem bán hoặc cho. Bán đi một món đồ đối với tôi vẫn là một giải pháp tốt hơn vì nếu ai đó bỏ tiền ra mua món đồ của bạn thì có nghĩa là họ thực sự cần/muốn nó và đó là ý nghĩ chủ quan của họ.
Hãy rất cẩn thận với việc đem cho đồ cũ, nhất là cho bạn bè hoặc người thân vì đôi lúc họ không thực sự cần nó nhưng vẫn nhận vì cả nể và sợ làm mất lòng bạn. Hãy nhớ chỉ cho đi những thứ mà người khác cần, đừng cho đi những thứ mà mình chỉ muốn tống khứ nó đi, đừng đẩy "rác" của mình qua nhà người khác.
Nếu bạn thực sự muốn cho đi, có một giải pháp tốt hơn cho chuyện này đó là hãy chụp hình tất cả những món đồ muốn cho đi rồi đăng lên Facebook cùng lời rao kiểu như: "Mình dọn nhà nên dư ra những vật dùng này, tất cả đều còn tốt, bạn nào có nhu cầu sử dụng hãy inbox mình nhé, tất cả đều miễn phí...". Như vậy sẽ ổn hơn, cả hai bên cho và nhận đều vui vẻ. Sau một khoảng thời gian nhất định, nếu không còn ai lấy đồ nữa hãy đem bán/vứt những thứ còn lại. Vậy là xong!!!
Các thiết bị công nghệ thực sự rất dễ bán, đồ mới thì người ta mua để sử dụng, đồ cũ thì người ta mua để sưu tầm hoặc thay thế linh kiện, thậm chí ngay cả đồ cũ nát và hư hỏng nhiều vẫn có người chịu thu mua để tân trang và bán lại. Do đó bạn hãy cân nhắc tới việc nâng cấp các món đồ công nghệ của mình, bán đi những thiết bị cũ/lỗi thời và thay thế bằng những thiết bị mới cùng chuẩn (cổng sạc, tính năng...) với nhau.
Tác giả Sasaki Fumio, người theo đuổi chủ nghĩa tối giản và đã viết sách về những kinh nghiệm tối giản của mình
Chỉ một việc đơn giản như cáp sạc và củ sạc, nếu sử dụng những thiết bị cũ mới khác nhau, hẳn bạn sẽ gặp phải tình huống mỗi thiết bị chỉ có thể sạc bằng củ sạc theo chuẩn của nó, thực sự rất rối rắm và phiền phức, đừng làm cuộc sống của mình thêm tốn thời gian bởi những việc như vậy.
Tôi có tới 3 cục sạc dự phòng, mỗi cục khoảng 10.000mAh, khá lỉnh kình mỗi khi cần đem đi đâu đó. Tôi quyết định bán hết cả 3 cục và bù thêm ít tiền để mua một cục sạc 20.000mAh. Giải pháp mới gọn gàng hơn nhiều, tôi chỉ phải mang theo một cục sạc duy nhất, với những tính năng mới hiện đại hơn, chẳng phải cảm giác sướng hơn nhiều sao?
Đối với sách vở và giấy vụn, bán ve chai là lựa chọn đơn giản nhất tuy nhiên giá trị kinh tế mang lại không cao. Trước khi bán ve chai, các bạn có thể lọc ra những cuốn sách còn mới, đẹp, nội dung hay để rao bán trên mạng trước để những người thực sự yêu sách sẽ đón nhận những cuốn sách của bạn với mức giá kha khá. Đối với số sách còn lại, các bạn có thể mang ra tiệm sách cũ, họ cũng cân ký hoặc mua lại với giá rất rẻ mà thôi, tuy nhiên giá thu mua vẫn cao gấp đôi so với ve chai. Do đó, ve chai là lựa chọn cuối cùng trong việc thanh lý sách vở.
Đối với quần áo cũ, cho từ thiện là một option tốt. Tuy nhiên, hãy nhớ những điều sau: đừng cho đi những món đồ đã quá rách nát. Nếu quần áo bị rách hoặc hư hỏng nhẹ, hãy chịu khó sửa sang, may vá lại cho đàng hoàng, sau đó giặt ủi sạch sẽ trước khi đem cho nhé. Nếu bạn có những món đồ quá mắc tiền từ những lần vung tay quá trán trước đây, đem bán vẫn luôn là một giải pháp tốt.
Tôi vừa có một đợt thanh lý đồ đạc lớn nhất trong cuộc đời mình, khi mà những món đồ từ cách đây 5 năm cũng được tôi lôi ra và đem rao bán. Mặc dù chỉ mới bán đi được phân nửa nhưng tôi đã thu lại được số tiền gần 10 triệu, dư dả cho một chuyến du lịch nước ngoài dài ngày ở khu vực Châu Á, thật là không có gì phải suy nghĩ.
Những mối quan hệ
Sau khi đã tối giản vật chất, hãy cân nhắc bỏ đi những mối quan hệ không còn mang lại niềm vui trong cuộc đời của bạn nữa. Có những mối quan hệ có thể giúp cho cuộc sống và sự nghiệp của bạn thăng hoa, và ngược lại, có những mối quan hệ chỉ mang lại sự khó chịu và bực bội.
Đó có thể là một relationship trên Facebook, hãy unfriend đi những người vớ vẩn trên mạng xã hội, hãy chỉ kết nối với những người mà bạn thật sự tin yêu. Đừng lo, chẳng ai có quá nhiều bạn bè đâu. Thanh lý những mối quan hệ cũng là để giúp bạn có được một tinh thần thoải mái hơn, vui vẻ hơn khi không còn phải nặng đầu vì những người mà bạn không thích nữa.
"Thanh lý" cơ thể
Cuối cùng, hãy tự nâng cấp chính bản thân mình. Hãy tập luyện thể dục thể thao để bớt đi số cân thừa, giúp cơ thể nhẹ nhàng hơn, thoải mái hơn, có sức khỏe tốt hơn để lao động, học tập và tận hưởng cuộc sống.
Hãy nhớ rằng, mục đích cuối cùng của lối sống tối giản là để bạn không còn cảm thấy bị ràng buộc cả về vật chất lẫn tinh thần để tập trung trí lực của mình cho những thú vui/sở thích/ước mơ thật sự quan trọng trong cuộc đời.
Vì với tôi, tối giản chính là cội nguồn của hạnh phúc.