Đây là một bài cảm nhận chi tiết của tôi về Mi Band 3, một trong những chiếc smartband hot nhất trên thị trường hiện nay. Sản phẩm này được tôi tậu về từ TGDD với mức giá 670.000đ (giá ban đầu là 750.000đ, được khuyến mãi giảm 10% + giảm 5.000đ nhờ là khách hàng thân thiết).
Tôi đặt mua Mi Band 3 tại một siêu thị Điện Máy Xanh (ĐMX) ở Nha Trang vào một buổi chiều 29 Tết. Trước giờ tôi vốn khá có cảm tình với TGDD, nói thật là như thế. Mi Band 3 lúc mới ra mắt cách đây khoảng 8 tháng có mức giá lên tới gần cả triệu bạc (949.000đ). Lúc này, khi mức giá dù đã tương đối dễ chịu (670.000đ), nhưng thực tế thì vẫn còn cao.
Nếu tìm trên một số cửa hàng bán lẻ khác trên LZD hay các hệ thống bán hàng online, bạn có thể sẽ mua được sản phẩm với mức giá rẻ hơn nữa. Nhưng tôi vẫn chọn TGDD vì không phải đợi lâu, được xem hàng trực tiếp, và quan trọng nhất là cơ chế bảo hành đổi trả dễ dàng nếu như gặp sự cố. Cái này thật sự là không quảng cáo gì đâu nhé, sự thật thôi, vì tôi từng nhiều lần mua phải hàng lỗi và đổi trả tại TGDD rồi (từ cục sạc cho tới điện thoại, laptop).
Anyway, quay trở lại với câu chuyện đi mua hàng lần này thì tôi không hài lòng lắm với nhân viên ĐMX ở trên đường Thái Nguyên. Có lẽ vì là chiều 29 Tết, cửa hàng ít người nên hỗ trợ không được tốt lắm, cái này có thể thông cảm, nhưng cảm giác không hài lòng thì thật sự là có. Khác với các cửa hàng ĐMX từng mua trong Sài Gòn, ở đây nhìn tới lui chỉ có 1 em nhân viên duy nhất đang dán banner quảng cáo lên tủ kiếng, thấy tôi tới thì em tiếp chuyện nhưng gương mặt không chút niềm nở. Lúc xem hàng thì em cũng chỉ cắm mặt vào điện thoại check Facebook chứ không hề tư vấn hay hướng dẫn gì. Cảm giác hơi nặng nề. Nhân viên thu ngân (đang mang bầu) cũng gương mặt nặng như thế, không hề nở một nụ cười nào. Thôi chắc vì người ta bầu bì nên cũng mệt. Tui biết ý cũng xem hàng nhanh rồi đi về cho người ta dọn dẹp đóng cửa sớm.
Quay trở lại với Mi Band 3, cảm giác đầu tiên của tui lúc mở hộp là nó rất đẹp, bóng bẩy, màn hình cong đều 2 bên, nút cảm ứng hơi chìm bên dưới. Vì đã từng sử dụng Mi Band 2 nên hẳn nhiên là tôi có ngay trong đầu sự so sánh giữa 2 sản phẩm này. Ngay khi bóc máy ra, vừa kết nối vào điện thoại qua app Mi Fit là nó tự tải bản update firmware về luôn.
1. Dây đeo
Phần dây đeo cao su rất êm và mượt, cảm giác gắn dây, gắn chốt giữ vào dây là êm hơn rất nhiều so với trên Mi Band 2. Tuy nhiên, ngược lại với Mi Band 2, do Mi Band 3 có thiết kế rãnh sâu xung quanh con nhộng nên tháo ra khỏi dây rất khó, phải dụng lực tay mạnh, nhưng gắn vào thì rất dễ. Còn trên Mi Band 2 lúc tháo ra khỏi dây thì dễ nhưng gắn vào lại hơi khó, phải dùng lực nhiều hơn một chút. Tiếc là dây đeo của Mi Band 2 và 3 không dùng chung với nhau được.
Mi Band 3 vs. Mi Band 2 (dây vàng) |
2. Dây sạc
Sạc của Mi Band 3 dù có phần ngàm giữ to hơn của Mi Band 2 nhưng chuẩn kết nối vẫn như cũ nên bạn cắm Mi Band 2 vô vẫn sạc được bình thường.
Dây sạc Mi Band 3 (bên phải) to hơn so với dây sạc của Mi Band 2 |
3. Màn hình cảm ứng và dán màn hình Mi Band 3
Phần màn hình này dù đẹp và bóng bẩy nhưng được làm cong nên cực kỳ khó dán màn hình. Chưa kể còn cong lồi nên đảm bảo là rất dễ va quẹt và sẽ sớm trầy xước tè le. Nếu bạn là kiểu người xài đồ điện tử không quan tâm tới màn hình, trầy xước sao cũng được thì bỏ qua. Nhưng nếu bạn là kiểu người quan trọng nhất cái màn hình sẽ cảm thấy rất khó chịu, sử dụng không tự tin khi màn hình chưa được dán. ĐMX họ không hỗ trợ dán màn hình giùm cho thiết bị đeo tay, đặt mua trên mạng thì lâu nên tui tự ra mua miếng dán điện thoại cắt nhỏ ra để gián cho Mi Band 3. Nhưng kết quả rất tệ vì miếng dán không thế nào ôm sát được vào phần cong xung Mi Band 3 nên dán được chút là rớt ra ngay. Trong cái khó ló cái khôn, tui phát hiện ra dùng màng bọc thực phẩm quấn lại vừa đảm bảo ôm sát được toàn bộ bề mặt của Mi Band 3, vừa dễ thay thế và quan trọng nhất là... rẻ. Bạn ra tạp hóa mua giấy bọc thực phẩm cuộn 10.000đ thôi là tha hồ thay dán tới năm sau vẫn chưa hết.
Nhờ có cảm ứng nên thao tác trên Mi Band 3 sẽ có thêm nhiều thứ để vọc hơn, nhưng bù lại, đối với nhiều người khác, sẽ phức tạp hơn. Khi bạn chạm vào nút cảm ứng, màn hình Home với ngày giờ sẽ hiện lên đầu tiên, bạn vuốt từ trên xuống để đi qua các màn hình Bước chân, Nhịp tim, Thời tiết, Thể dục, Thông báo và Thêm. Màn hình nào có thanh ngang bên dưới thì vuốt ngang để di chuyển trái phải để xem các mục nhỏ thuộc màn hình đó. Muốn chọn mục nào thì nhấn giữ phím cảm ứng để đi vào. Thao tác có hướng dẫn khá cụ thể nên bạn sẽ nhanh chóng làm quen thôi.
Tuy vậy, không hiểu sao, cảm giác của tui khi lần đầu tiên chạm vào màn hình cảm ứng Mi Band 3 là rất tệ, vuốt mãi không được, nút cảm ứng nó những lúc chạm vào không hề lên màn hình làm tui cứ tưởng máy bị hư. Tất nhiên đây không phải là màn cảm ứng trên smartphone nên không thể đòi hỏi nó mượt mà, nhưng cảm giác vuốt mà cứ bị lì ra, không phản ứng gì thì rất bực bội. Tuy nhiên, sau khi đã quen dần với màn hình cảm ứng của Mi Band 3 thì cảm giác lì lợm không còn nữa. Một gợi ý nhỏ là để cảm ứng mượt hơn, lúc vuốt lên xuống, thay vì vuốt trực tiếp vào giữa màn hình, hãy vuốt từ mép của màn hình, sẽ mượt hơn rất nhiều.
Phần hiển thị thực tế của Mi Band 3 to hơn rất nhiều so với Mi Band 2, độ sáng cao hơn nhưng đi giữa trời nắng gắt thì vẫn không ăn thua, không xem được thông tin.
4. Hiển thị tiếng Việt trên Mi Band 3
Phần thông báo trên Mi Band 3 đã cho phép bạn xem được luôn nội dung của thông báo, và xóa trực tiếp trên Mi Band luôn (nhấn giữ phím cảm ứng), không cần sờ tới điện thoại nên rất tiện lợi. Mặc định với bản firmware mới nhất hiện nay (2.3.0.2) thì Mi Band 3 đã hiển thị được luôn tiếng Việt. Tuy nhiên, nó lại phụ thuộc vào ngôn ngữ của điện thoại được kết nối. Nếu bạn để ngôn ngữ điện thoại là Tiếng Anh thì thông báo và font chữ tiếng Việt trên Mi Band sẽ bị lỗi ô vuông.
Cách khắc phục đó là một, bạn chuyển ngôn ngữ điện thoại về Tiếng Việt là dễ nhất. Cách khác là trên Android, tải về ứng dụng Mi Bandage, kết nối với điện thoại. Ứng dụng này cho phép bạn tùy chỉnh Mi Band 3 một cách độc lập, không cần tới điện thoại. Lúc này bạn chỉ cần chọn Tiếng Việt là ngôn ngữ hiển thị trên Mi Band 3 là xong, không còn bị lỗi nữa, rất cool.
5. Xem chỉ dẫn bản đồ Google Maps trên Mi Band 3
Yeah, đây là một tính năng rất tuyệt vời, tuy nhiên nó không phải là chức năng mặc định từ nhà sản xuất. Bạn sẽ cần phải cài ứng dụng Mi Band Maps trên Android và cấu hình theo hướng dẫn (rất chi tiết) để mỗi khi bạn sử dụng chức năng chỉ đường trên Google Maps thì các thông báo sẽ được gửi tới Mi Band 3 kèm theo rung rất tiện lợi.
Tuy vậy, app này là không miễn phí nhưng giá rất rẻ (21.000đ, chưa tới $1). Nếu bạn không muốn bỏ tiền ra mua thì kiếm bản apk trên mạng cũng được, tuy nhiên không khuyến khích đâu nhé. Ứng dụng này hỗ trợ Mi Band 3 và Amazfit Bip luôn, tiếc là không hỗ trợ Mi Band 2.
Phần chỉ dẫn được gửi tới Mi Band 3 sẽ bao gồm hướng rẽ (trái, phải, thẳng), tên đường và khoảng cách di chuyển, không có hình ảnh bản đồ đâu. Tôi đã dùng thử, rất tiện lợi, đặc biệt là khi đi xe máy ngoài đường và GPS không chính xác, không muốn rút điện thoại ra để xem lại. Ví dụ như đi lố đường thì nhìn vào chỉ dẫn để biết nên cua vào đường nào, khá hay.
6. Thời lượng pin
Dù được quảng cáo lên tới 20 ngày sử dụng liên tục như Mi Band 2 nhưng tui nghĩ đây là thời lượng lý tưởng mà thôi. Còn thực tế, tui cảm thấy pin không được ngon như vậy, nhưng có lẽ là do tui đang trong thời gian test, sử dụng với cường độ rất cao và hardcore. Kiểu như tắt mở liên tục, bắn noti từ điện thoại 24/24, chạy vòng vòng kiểm tra chức năng chỉ dẫn bản đồ, v.v... nên nó nhanh hết pin hơn. tính ra một ngày tui xài hơn 10% pin, vậy thì sạc đầy 100% chắc chỉ xài được tầm 1 tuần là tối đa. Hơn nữa, Mi Band 3 có màn hình lớn hơn, sáng hơn nhiều so với Mi Band 2 nên sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng hơn.
Tổng quan
Nhưng nói về cảm giác tổng quan thì sao? Vâng, cảm giác tổng quan là tương đối hài lòng, dù vẫn còn đó những chi tiết nhỏ chưa thật sự vừa ý. Trải nghiệm trên Mi Band 3 cũng cho cảm giác sướng hơn, tiện ích hơn so với Mi Band 2. Rõ ràng, với Mi Band 3, nhờ màn hình lớn và nhiều thao tác hơn, bạn có thể chủ động làm được nhiều thứ trực tiếp trên Mi Band 3 mà không cần tới điện thoại nữa. Từ đó, giảm bớt thời gian sử dụng điện thoại.
Ví dụ như khi ở ngoài đường, kết hợp với một tai nghe bluetooth nhỏ nữa là bạn có thể yên tâm cất hoàn toàn điện thoại vào ba lô hoặc cốp xe. Khi có tin nhắn hoặc điện thoại tới có thể chủ động check tin nhắn, trả lời/từ chối cuộc gọi ngay trên Mi Band 3 luôn. Đây thật sự là những giá trị to lớn mà chiếc vòng đeo tay thông minh này có thể mang lại. Rõ ràng, các tính năng trên Mi Band 3 đã giúp cho smartband ngày càng tiệm cận hơn với smartwatch.
Nhưng tôi còn muốn gì hơn thế nữa?
Chủ quan thôi nhé, do nhu cầu cá nhân, tui thích một chiếc smartwatch theo kiểu smartphone độc lập, tức là có thể hoạt động hoàn toàn không phụ thuộc vào smartphone, có màn hình màu, cài được app, xem bản đồ, chỉ dẫn bản đồ, có thể gắn sim nghe gọi, 3G/4G, WiFi, pin tốt và quan trọng nhất là, mức giá hợp lý, tầm từ 3 triệu đổ xuống. Lúc đầu tôi thích dùng điện thoại màn hình nhỏ hơn. Nhưng ở thời buổi này, tôi thấy dùng một chiếc điện thoại màn hình to quăng trong ba lô và một cái smartwatch nhỏ trên cổ tay là hợp lý và tiện dụng nhất.
Thực ra mấy hãng không tên tuổi của Trung Quốc đã làm được mấy thiết bị như này lâu rồi, giá chỉ tầm 200.000đ. Tui từng thấy họ làm cả một con smartwatch nhưng cài full Android luôn :)) Nhưng nói thật là chất lượng gia công rất chán, ngoại hình xấu, pin hẻo, còn độ bền thì hên xui, chắc xài được cao lắm vài tháng là vứt. Hoặc như ngày xưa thì Samsung có con Samsung Gear S, nhưng thiết kế quá xấu cộng thêm việc chạy HĐH Tizen không giống ai khiến nó không được đón nhận, chưa kể giá cao nữa (Samsung mà).
Ngay lúc này, tui thấy có một con smartwatch rất ổn là Huawei Watch 2, TGDD đang bán giá khuyến mãi là 3.752.000đ (giảm 20% so với giá ban đầu), đáp ứng được gần như đầy đủ các tiêu chí trên. Tuy vậy tui vẫn chưa mua vì giá vẫn còn hơi cao so với tiêu chuẩn của tôi một chút. Nhưng nếu so với với cách đây một năm thì giá như vậy tính ra đã giảm từ 30 - 40% chứ không ít. Nhưng mảng Android Smartwatch theo tôi vẫn cần thêm thời gian để hoàn thiện hơn nữa về hệ điều hành, pin, cấu hình và công nghệ. Là tôi, tôi quyết định sẽ đợi thêm ít nhất 1 năm nữa trước khi mua chiếc smartwatch đầu tiên. Hy vọng, ngày này năm sau, tôi sẽ có thể tìm thấy chiếc smartwatch đáp ứng được tất cả những kỳ vọng của mình. Ngày này, theo tôi là không xa đâu. Như các bạn thấy đó, ngày xưa điện thoại 3G bèo bèo không có cái nào dưới 5 triệu. Vậy mà giờ đây tầm 990.000đ là có một con smartphone Itel hỗ trợ 4G luôn rồi. Công nghệ sẽ càng ngày càng rẻ và hoàn thiện hơn, và tôi chắc chắn smartwatch cũng sẽ không nằm ngoài quy luật đó.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của tôi. Chúc các bạn một năm mới vui vẻ hạnh phúc !!!