Như tôi đã từng nói trong những bài viết trước, sống tối giản không phải là cái gì đó quá ghê gớm, nó suy cho cùng cũng chỉ là một phong cách sống mà thôi. Quy tắc của tôi đó là ai cũng có quyền lựa chọn phong cách sống cho riêng mình, miễn là cách sống của mình không làm ảnh hưởng tới người khác là được. Và ngược lại, tôi sống như thế nào là chuyện của tôi, tôi không quan tâm tới suy nghĩ cũng như đánh giá của họ về mình. Tuy vậy, đôi khi tôi cũng cảm thấy hơi buồn lòng khi có quá nhiều người hiểu sai về sống tối giản. Đó là lý do tại sao tôi viết bài này để cho tất cả mọi người, dù có là minimalist hay không, sẽ có một cái nhìn đúng đắn hơn về minimalism.
1. Sống tối giản là sống tiết kiệm, kham khổ?
Mỗi khi có ai đó nghe nói tôi là người sống tối giản, họ đều hỏi tôi rằng: "Tối giản tức là không xài tiền hả?", dù đã quen và chuẩn bị trước tinh thần nhưng mỗi lần nghe vậy lại thấy hơi khó chịu. Tối giản không có nghĩa là nhịn ăn nhịn mặc, có tiền không dám xài, có đồ ăn ngon không dám ăn. Phải hiểu đúng rằng, tôi chỉ tiêu tiền vào những gì mà tôi thật sự thích, những điều làm tôi vui, những điều có thể mang lại hiệu quả cao nhất, với chi phí thấp nhất.
Tôi không mua xe xịn bởi vì tôi không có nhu cầu chơi xe cũng như lấy le với thiên hạ. Với tôi, xe là chỉ thứ phục vụ đi lại. Tôi không mua iPhone, tôi chỉ xài một chiếc Android rẻ tiền vì suy cho cùng nó chỉ là điện thoại. Nhưng tôi lại sẵn sàng bỏ ra rất nhiều tiền để đi du lịch, để được trải nghiệm. Người ta bảo tôi khùng cũng không sao, vì tôi không có nhu cầu làm họ vui, tôi chỉ cần mình thấy vui là được.
Tóm lại, tôi không bao giờ bỏ tiền ra để mua những thứ mà tôi không thật sự cần, chỉ để làm vừa lòng những người mà tôi không thích. Vì điều đó thật nhảm nhí và vô nghĩa.
Sống tối giản không phải là sống tiết kiệm |
2. Vứt bỏ đồ đạc lãng phí?
Tôi nghĩ rằng, đồ đạc mà cứ mãi ở yên một chỗ, không được sử dụng đúng với mục đích của nó mới là lãng phí ghê gớm. Có một số bạn bè của tôi, đồ đạc mua về dù không xài nhưng cũng không bán, không cho hay vứt đi mà cứ mãi để đó, tới tận lúc món đồ ấy hỏng rồi mới tiếc rẻ vì đã không xài. Vây thì có ích gì chứ? Hãy xác định ngay từ hôm nay cái gì là cần, cái gì không cần thì hãy để nó ra đi để nó được sống đúng với chức năng của mình.
Như tôi đã từng nói thì vứt bỏ ở đây không có nghĩa là vứt bỏ đơn thuần. Bạn hoàn toàn có thể cho ra đi một món đồ bằng cách bán, cho, hoặc vứt. Và tôi luôn ưu tiên bán nhất vì đó là cách mà tôi có thể lấy lại tiền dù ít hay nhiều. Nếu ở Việt Nam, bạn có thể rao bán hoặc cho các món đồ cũ trên trang Chợ Tốt. Tôi đã bán được rất nhiều món đồ thông qua trang này.
Có một kỷ niệm vui, đó là lần tôi qua Mỹ công tác. Trước chuyến đi, vì giày của tôi bị hư nên tôi mua tạm một đôi giày dỏm trên Lazada với giá 99.000đ. Khi qua tới Mỹ, việc đầu tiên tôi làm là ra Dick's Sporting Goods mua ngay một đôi Nike giá khoảng hơn $70 chưa thuế. Đôi giày cũ mang ở Việt Nam qua tôi đem lên ứng dụng Letgo rao bán. Chỉ 2 ngày sau, có một thanh niên Mỹ lái xe ô tô tới tận khách sạn tôi ở để mua đôi giày đó với giá chỉ $5. Tính ra tiền Việt thì tôi lời được vài chục ngàn :))
Vứt bỏ đồ đạc không phải là lãng phí |
3. Nói đến tối giản tức là nói đến vật chất?
Phát biểu này không hoàn toàn sai nhưng dễ làm người ta hiểu sai lệch bản chất của sống tối giản. Tối giản vật chất chỉ là một trong những cấp độ khác nhau của minimalism, và tối giản vật chất, theo tôi là cấp độ thấp nhất trong các loại tối giản.
Vậy sống tối giản có những cấp độ nào? Theo thứ tự từ thấp đến cao, tôi có danh sách sau (dĩ nhiên là theo chủ quan của tôi nhé):
- Tối giản đồ đạc (tối giản vật chất).
- Tối giản chi phí (tiêu xài ít hơn, đúng đắn hơn).
- Tối giản công việc (làm ít hơn, nhưng thông minh hơn, hiệu quả cao hơn).
- Tối giản rác thải.
- Tối giản cơ thể (tối giản ăn uống, giảm cân giảm mỡ).
- Tối giản các mối quan hệ.
- Tối giản suy nghĩ và tinh thần.
Rõ ràng, trong các loại tối giản trên thì tối giản vật chất là dễ thấy nhất vì nó có thể được biểu ra bên ngoài, là những thứ mà người ta có thể thấy tận mắt nên họ dễ lầm tưởng nói đến tối giản tức là nói đến vật chất.
Nói đến sống tối giản không có nghĩa là chỉ nói đến tối giản vật chất |
4. Sống tối giản chỉ dành cho người trẻ độc thân?
Có người cho rằng, khi đã có gia đình vợ con, bạn sẽ không thể nào sống tối giản được, vì chẳng lẽ vợ con đòi mua này kia lại không cho? Có suy nghĩ đó là bởi vì họ đang bị lầm lẫn ở khái niệm thứ 3, đánh đồng sống tối giản với tối giản vật chất.
Thực tế thì, cho dù đã có gia đình hay chưa, bạn chỉ cần luôn nhớ tới bản chất của tối giản là được. Đó chính là loại bỏ những thứ không cần thiết, và không bao giờ đem về những thứ mình không thật sự cần. Đồng ý rằng, khi đã có gia đình thì đồ đạc trong nhà chắc chắn phải nhiều hơn khi chỉ sống một mình. Tuy vậy, hãy đảm bảo rằng đồ đạc trong nhà vẫn là những thứ bắt buộc phải có và không thể thay thế cho nhu cầu sử dụng của bạn.
Hy vọng đọc đến đây, bạn đã có thể yên tâm lập gia đình được rồi, kkk.
Còn độc thân hay có gia đình thì cũng đều sống tối giản được nhé |
5. Sống tối giản không dành cho người Việt Nam?
Minimalism vốn được cho rằng xuất phát từ Nhât Bản, do người Nhật thường xuyên phải hứng chịu động đất thiên tai, vì vậy họ sống tối giản để tránh bị tai nạn (do nhà sập, đồ đạc đè) cũng như để dễ dàng di cư tránh nạn và giảm thiểu thiệt hại. Cho đến nay, trước những áp lực và sự căng thẳng của xã hội, người trẻ tìm đến lối sống tối giả như một cách tích cực giúp họ tìm thấy cuộc sống hạnh phúc hơn. Sống tối giản cũng đang rất được ưa chuộng tại các nước Âu Mỹ, vốn là những trung tâm mua sắm và kinh tế hàng đầu thế giới.
Còn ở Việt Nam thì sao? Tôi cho rằng, minimalism chính là để dành cho người Việt Nam. Đất nước chúng ta kết thúc chiến tranh cách đây đã hơn 40 năm. Do ảnh hưởng từ các cuộc chiến mà thế hệ ông bà cha mẹ chúng ta vẫn giữ thói quen tích trữ đồ đạc cho tới tận ngày nay. Do đó mới có câu: "Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn". Tích trữ không có gì là sai, đặc biệt là tích trữ đồ ăn. Tuy vậy, người lớn tuổi thường có thói quen tích trữ đôi khi khá vô lý. Có những gia đình tôi thấy cất giữ trong kho tới 5 - 6 cái thau nhựa, nhưng trong thực tế chỉ xài có 1 - 2 cái. Rồi tới lúc thau hư thì lười lục kho để lấy (vì kho quá nhiều đồ) nên đi ra ngoài mua thau mới luôn cho lẹ. Điều đó khiến tôi cảm thấy cực kỳ vô lý và lãng phí.
Thời thơ ấu, tôi sống trong một căn nhà nhỏ nhưng lại có quá nhiều đồ đạc khiến không gian xung quanh lúc nào cũng chật chội và ngột ngạt. Có lẽ chính điều đó đã thôi thúc tôi theo đuổi lối sống tối giản.
Sống tối giản chính xác là để dành cho người Việt Nam đó |
Kết
Đọc đến đây, có lẽ các bạn đã có thể vỡ ra được nhiều điều hơn nữa về lối sống tối giản, một lối sống mang trong mình nó nhiều tầng lớp ý nghĩa và có thể được vận dụng vào rất nhiều những lãnh vực cụ thể khác nhau trong cuộc sống. Nếu bạn đang cảm thấy quá căng thẳng và áp lực trước cuộc sống, thì tôi tin sống tối giản chính là cách nhanh nhất giúp bạn lấy lại sự cân bằng và bình tĩnh, tạm thời kéo bạn ra khỏi mọi sự ràng buộc, từ đó có được sự sáng suốt cần thiết để giải quyết được mọi vấn đề. Chúc các bạn một ngày vui vẻ!