Bài viết này nói về thiết bị đeo tay (wearable devices) nói chung, tức là cả smartband (vòng đeo tay thông minh) và smartwatch (đồng hồ thông minh) đều có thể được liệt kê ở đây.
Các thiết bị đeo tay thông minh, theo tôi, thực sự sẽ là vật bất ly thân trong tương lai của người dùng công nghệ vì tính tiện dụng, gọn nhẹ và nhất là không sợ vô tình làm mất như điện thoại (do luôn nằm trên cổ tay).
Tuy vậy, ở thời điểm này, chỉ có Apple Watch có thể được xem là thiết bị đeo tay hoàn hảo nhất. Tiếc là giá của nó cũng không hề rẻ chút nào (khoảng từ 10 ~ 12 triệu cho hàng chính hãng). Hơn nữa, tôi cũng không phải là một fan của Apple, bản thân cũng chỉ sử dụng điện thoại Android nên có lẽ không có duyên với Apple Watch cũng như các sản phẩm thuộc hệ sinh thái của Apple.
Apple Watch rất đẹp và hoàn hảo, nhưng cái giá lại không dành cho số đông, chưa kể còn phụ thuộc vào hệ sinh thái của Apple
Nhìn sang bên Android, thì hiện nay mảng đeo tay có vẻ như đang bị các ông lớn (ngoại trừ Samsung) bỏ lơ. Các thiết bị đeo tay của Samsung dù khá ngon, đẹp, giá cả dễ chịu hơn so với Apple Watch nhưng vẫn chưa thật sự xuất sắc để có thể thay đổi thói quen của người dùng. Dạo gần đây có Huawei và một số hãng Trung Quốc khác như Zeblaze, TicWatch cũng đã và đang tung ra những mẫu smartwatch chạy AndroidWear có ngoại hình khá đẹp, có thể gắn sim, có GPS, v.v... với mức giá cực kỳ hấp dẫn (tầm từ 5 triệu đổ xuống). Như Huawei có Huawei Watch 2, Zeblaze có Thor 4... Tiếc là những mẫu này vẫn chưa được phân phối rộng rãi đến tay người dùng.
Dù vậy, tôi tin rằng, mảng thiết bị đeo tay trên Android dù đang hơi chìm nhưng sẽ không bao giờ bị lãng quên. Trong vòng 1 - 2 năm nữa Google sẽ quay trở lại mảng này với một thiết bị đeo tay cao cấp kiểu như Pixel Phone vậy. Nhờ đó sẽ giúp định hình và chuẩn hóa mảng thiết bị này, từ đó các hãng khác sẽ tung ra nhiều sản phẩm thiết bị đeo tay với cấu hình tốt hơn, tiện dụng hơn, nhiều tính năng và nhất là mức giá sẽ rẻ hơn để người dùng có thể đa dạng hóa sự chọn lựa của mình. Tôi tin rằng, trong tương lai gần, sẽ có các mẫu smartwatch tầm trung với mức giá dưới 3 triệu được bán rộng rãi.
Trong lúc chờ đợi tới ngày đó, chúng ta hãy cùng đến với danh sách các thiết bị đeo tay đáng chú ý ở thời điểm hiện tại dưới đây:
1. Mi Band 3 (590.000 ~ 790.000đ)
Là bản nâng cấp đáng giá của Mi Band 2, giá của Mi Band 3 hiện vẫn chưa ổn định do ra mắt chưa lâu và vẫn còn đang rất hot. Điểm vượt trội của Mi Band 3 so với các sản phẩm smartband khác là ở màn hình cảm ứng, giúp hiển thị nhiều thông tin hơn, giảm độ phụ thuộc vào điện thoại. Ngoài ra, ngoại hình của Mi Band 3 cũng rất đẹp và bóng bẩy.
Một điểm mạnh khác của Mi Band 3 là nó có một cộng đồng người dùng tương đối đông đảo nên bạn có thể tìm thấy nhiều sự hỗ trợ, giải đáp cho những thắc mắc của mình xung quanh chiếc smartband này. Phụ kiện cho Mi Band 3 như dây đeo thay thế, miếng dán màn hình, cáp sạc... cũng có thể được dễ dàng tìm thấy trên các trang mua sắm trực tuyến.
2. Mi Band 2 (390.000đ)
Mi Band 2 dù ra mắt đã lâu nhưng vẫn rất xuất sắc nhờ vào sự bền bỉ, tính tiện dụng cao, đặc biệt là ở mức giá đã trở nên rất rẻ so với những tiện ích mà nó có thể mang lại. Mi Band 2 cũng có một màn hình nhỏ (không cảm ứng, nhỏ hơn Mi Band 3) giúp hiển thị một số thông tin cơ bản (giờ giấc, bước chân, nhịp tim, biểu tượng thông báo, thông tin cuộc gọi...). Thời lượng pin của Mi Band 2 lên tới hơn 20 ngày, rất khủng.
Tương tự như Mi Band 3, Mi Band 2 cũng có một cộng đồng người sử dụng đông đảo và lâu năm, và các phụ kiện thay thế cho Mi Band 2 ở thời điểm này vẫn có thể được tìm mua tương đối dễ dàng.
Mi Band 2 (vàng) bên cạnh Mi Band 3
3. Huawei Band (490.000 ~ 590.000đ)
Cũng tương tự như Mi Band 2 nhưng Huawei ra sau nên được trau chuốt và cải tiến hơn một chút ở ngoại hình và khả năng hiển thị trên màn hình nhỏ. Dù vậy, những chức năng cơ bản vẫn như Mi Band 2 chứ không có nhiều khác biệt. Thời lượng pin của Huawei Band ở mức 7 ngày, không quá ấn tượng nhưng vẫn khá tốt đối với một thiết bị đeo tay thông minh.
4. Zeblaze Plug (390.000 ~ 490.000đ)
Cùng phân khúc giá với Mi Band 2 và Huawei Band nên Zeblaze Plug cũng không có gì quá nổi trội so với 2 thiết bị trên. Tuy nhiên, Zeblaze vốn đã được biết đến trước đó nhờ vào các sản phẩm smartwatch được đánh giá khá cao như Thor 4. Tiếc là những sản phẩm smartwatch này của Zeblaze vẫn chưa được phân phối bởi các hệ thống điện máy lớn ở Việt Nam.
5. DMZ09 (99.000 ~ 120.000đ)
Là một sản phẩm từ một thương hiệu không tên tuổi, Sotate DMZ09 hay DMT09, thực sự là không ai địch nổi về mức giá. Sở hữu màn hình màu cảm ứng, có thể gắn sim và hoạt động độc lập như một chiếc điện thoại. Bạn cũng có thể kết nối DMZ09 với điện thoại khác để nhận thông báo, tin nhắn, cuộc gọi... mà không cần dùng sim.
DMZ09 có thể được tìm thấy trên các trang thương mại điện tử. Điểm yếu của máy là yếu tố thương hiệu vô danh, chất lượng gia công chỉ ở mức trung bình, ít trau chuốt nhưng các bạn có thể đòi hỏi gì hơn ở một sản phẩm chỉ có giá 100.000đ như thế này?
Theo quan điểm cá nhân, thiết bị này đáp ứng rất tốt nhu cầu có một chiếc điện thoại đập đá gọn nhẹ để bạn có thể mang theo bất cứ lúc nào khi ra đường, đặc biệt hữu dụng những lúc có việc gấp.
Hy vọng qua bài viết này, các bạn đã có thêm những lựa chọn phù hợp với nhu cầu và túi tiền của mình. Chúc các bạn một ngày vui vẻ!!!