Là một bộ phim từ list phim ưa thích về minimalism của tôi, Castaway On The Moon (2009) vừa có hơi thở tối giản, lại vừa có những yếu tố hài hước, lãng mạn, giải trí nhẹ nhàng.
*** Cảnh báo có spoil nội dung phim.
Nếu bạn nào đã từng xem phim Cast Away (2000) do tài tử Tom Hanks thủ vai thì có thể hình dung sơ về nội dung của bộ phim này. Điểm chung của cả 2 bộ phim đó là đều kể về cuộc sống của một người đàn ông bị lạc trôi vào nơi đảo hoang không người sinh sống nhưng khác với Cast Away (2000) khi mà hòn đảo đó thực sự là một hoang đảo thuộc quần đảo Fiji nằm ngoài khơi Thái Bình Dương. Còn trong Castaway On The Moon (2009) thì đó lại là một hòn đảo nằm... ngay trên sông Hàn giữa thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Ý tưởng này theo tôi là cực kỳ sáng tạo vì nó khắc họa sự cô đơn rõ nét khi mà ranh giới giữa cuộc sống hiện đại và cuộc sống trên đảo hoang vô cùng mong manh.
Nữ diễn viên xinh đẹp Jung Ryeo-won |
Ban đầu, Kim đã hoảng sợ tột cùng và mong muốn được giải cứu nhưng dần dần anh nhận ra mình hoàn toàn có thể thích nghi và sinh tồn trên hòn đảo này. Kim cảm thấy mình như được giải thoát khỏi món nợ khổng lồ trên vai, khỏi những ngột ngạt, những ràng buộc vật chất của cuộc sống hiện đại, nơi anh có thể được là chính mình.
Căn phòng bừa bộn đặc trưng của một Hikikomori |
Những tưởng sẽ không ai biết tới cuộc sống mới của Kim nhưng thật tình cờ, từ cửa sổ phòng ngủ, một cô gái hikikomori(*) có tên Kim Jung-Yeon (do nữ diễn viên Jung Ryeo-won thủ vai) đã tình cờ phát hiện và quan sát Kim mỗi ngày bằng chiếc máy ảnh gắn ống kính siêu zoom của mình.
(*) hikikomori: từ gốc Nhật dùng để chỉ những người trẻ sống giam mình trong phòng riêng từ 4-6 tháng trở lên, không bao giờ ra khỏi phòng, không tiếp xúc với người khác, kể cả người thân trong gia đình. Các bạn có thể search từ khóa hikikomori trong blog này để xem thêm các bài viết liên quan.
Jung-Yeon là một cô gái xinh đẹp (tất nhiên) nhưng hơi "hâm hấp", cô cảm thấy tự ti vì có một vết sẹo trên trán. Jung-Yeon nghiện sử dụng mạng xã hội Cyworld của Hàn Quốc, nơi mà cô có thể giả làm một con người hoàn toàn khác: đẹp hoàn hảo, thành đạt, đầy thu hút và được mọi người ái mộ (hay nói cách khác là "sống ảo"). Cuộc sống của cô hoàn toàn bị đảo lộn kể từ ngày cô phát hiện ra Kim, cô đã tìm cách để liên lạc với Kim và từ đó, một thứ tình cảm nhẹ nhàng nảy nở giữa 2 người.
Phần kết và nội dung chi tiết của bộ phim mời các bạn tự xem và đánh giá nhé.
Cảm nhận cá nhân
Tôi vốn không quá thích các bộ phim của Hàn Quốc nhưng thật sự phải công nhận rằng điện ảnh Hàn Quốc ngày càng có nhiều bộ phim với nội dung khác biệt và sáng tạo. Ở vị trí là một người trưởng thành trong xã hội, hẳn bạn cũng đôi lúc có cảm giác mệt mỏi trước cơm áo gạo tiền, cảm thấy sợ con người, muốn được trốn vào nơi nào đó tách biệt khỏi thế giới hỗn loạn này.
Đừng quên hơi thở của minimalism mà bộ phim mang lại, đặc biệt là ở đoạn Mr. Kim dùng chính thẻ ngân hàng của mình để cạo phân chim và thốt lên: "Cuối cùng tôi đã biết cách dùng cái thẻ này". Nếu Cast Away (2000) khiến người ta liên tưởng tới Robinson Crusoe cùng cảm giác cô đơn tới tột cùng thì Castaway On The Moon (2009) lại có màu sắc hiện đại hơn, và cũng nhẹ nhàng hơn rất nhiều khi có yếu tố tình cảm đan xem vào nội dung phim.
Có một tình tiết trong phim mà tôi cho rằng đã học theo Cast Away (2000) đó là ở đoạn Kim bất lực thả trôi chiếc thuyền vịt trước cơn bão, cảnh này làm tôi nhớ đến đoạn Chuck Noland (Tom Hanks) bất lực nhìn quả bóng Wilson trôi đi.
Thế giới mà chúng ta đang sống là thế giới vật chất, nơi mà giá trị của con người được đánh giá bằng tiền và đồ vật mà họ sở hữu. Thật khó để tưởng tượng có thể tồn tại một ngày mà không cần tới tiền khi mà mọi thứ dù nhỏ nhất đều được định giá. Với Castaway On The Moon, tôi có thể cảm nhận được sự nhẹ nhàng, lãng mạn và tình cảm trong sáng mà 2 nhân vật chính dành cho nhau. Bộ phim rất thích hợp để đóng cửa trùm chăn và xem trong phòng ngủ ngày cuối tuần, nơi bạn có thể tạm xa lánh thế giới bên ngoài và tự refresh lại tâm hồn của chính mình.