Sống tối giản cùng gia đình hay người thân tưởng đơn giản nhưng nếu không khéo léo, có thể sẽ dẫn tới những cuộc tranh luận không ngừng. Nếu bạn là người độc thân, chỉ sống một mình thì việc vận dụng lối sống tối giản là điều tương đối dễ dàng vì ít ra cũng sẽ không có ai ngăn cản bạn làm việc đó. Tuy vậy, nếu bạn đang sống cùng vợ/chồng, con cái hoặc cha mẹ thì đó có thể sẽ là một thử thách rất lớn ngay cả khi nơi bạn ở và đồ đạc thuộc sở hữu của chính bạn.
Chúng ta vốn đã quen với việc đánh giá con người bằng vật chất và số lượng đồ đạc mà anh/cô ta sở hữu. Tư tưởng này không chỉ có ở những người lớn tuổi mà còn xuất hiện ở những bạn trẻ trong xã hội hiện đại ngày nay. Các bậc cha mẹ rất khó chấp nhận việc chúng ta ném/vứt/bán đi những món đồ trong gia đình dù cho chúng chẳng mấy khi được đụng đến. Thói quen mua sắm và tích trữ đồ đạc của người thân trong nhà, đặc biệt là phụ nữ càng khiến cho sự việc trở nên trầm trọng thêm.
Có thể bạn không tin nhưng cuộc sống giữa một người tối giản và những người không muốn tối giản đôi khi khá căng thẳng. Người sống tối giản dễ bị (ngay cả) người thân trong gia đình đánh giá là keo kiệt bủn xỉn vì rất ít khi chịu mua sắm thêm đồ đạc mới. Đơn giản chỉ vì người sống tối giản biết cái gì là quan trọng nhất đối với mình, họ chỉ muốn tiết kiệm tiền phục vụ cho mục đích đó, với họ những đồ đạc xung quanh ở hiện tại đã là quá đủ để phục vụ cho những nhu cầu của mình, ngay cả khi không có thì họ vẫn biết cách xoay sở để vượt qua nó.
Một ví dụ đơn giản như khi mẹ của bạn tôi muốn mua thêm một chiếc thau nhỏ loại bé để rửa mặt, bạn tôi phản đối vì cho rằng nhà đã quá nhiều thau, hoàn toàn có thể dùng thau cỡ trung để rửa chứ không nhất thiết phải mua thêm. Chỉ một việc nhỏ như vậy thôi đã khiến cho mẹ con cô ấy gần như cãi nhau khiến không khí trong gia đình thêm nặng nề. Rõ ràng, sự khác biệt trong suy nghĩ và lối sống giữa hai thế hệ có thể cản trở mong muốn được sống tối giản của mỗi người.
Về lý thuyết, người sống tối giản không chỉ cắt giảm đồ đạc mà còn cắt giảm luôn cả những mối quan hệ mà họ cảm thấy thừa thãi, nhờ đó họ có thể tập trung toàn bộ sức lực và tinh thần vào những thứ quan trọng hơn. Do đó, người sống tối giản hầu như không phải đề ý tới nhận xét của những người xung quanh về lối sống của mình, nếu ai đó không phù hợp, họ chỉ đơn giản là lướt qua mà thôi. Nhưng người thân trong gia đình lại là một câu chuyện khác, chúng ta không thể nào "cắt giảm" hoặc "lướt qua" họ được, dù muốn dù không đó vẫn là người thân của chúng ta.
Nếu bạn đang kẹt trong tình huống trên, hãy thử làm theo 3 cách sau:
- Thứ nhất, kiên nhẫn duy trì lối sống của mình, rất có thể mọi người sẽ nhận thấy những lợi ích mà lối sống tối giản mang lại mà làm theo bạn. Đừng cố gắng ép buộc hoặc nhồi nhét tư tưởng tối giản cho người khác, điều đó chỉ khiến bạn trở nên phiền phức trong mắt mọi người mà thôi.
- Thứ hai, hạn chế tranh cãi và nhẫn nhịn, ít nhất bạn cũng có thể duy trì lối sống tối giản cho không gian riêng (phòng riêng, tủ đồ) của bạn mà đúng không?
- Thứ ba, nếu vẫn không thể thay đổi và cảm thấy không thể tiếp tục chung sống, hãy dọn ra ở riêng, đó là biện pháp cuối cùng mà bạn có thể làm.
Một điều cũng rất quan trọng đó là để mọi người có thể tin tưởng vào lối sống của bạn, thì bạn cũng cần phải có một uy tín nhất định trong gia đình. Uy tín không phải là một thứ dễ dàng có được, bạn sẽ có được uy tín qua một khoảng thời gian đủ lâu. Hãy bắt đầu bằng việc làm được moi thứ mình đã hứa, tự nuôi sống bản thân, và không còn phụ thuộc vào sự chu cấp của cha mẹ.
Hãy nhớ rằng, mục đích sau cùng của lối sống tối giản là để mang lại cảm giác hạnh phúc cho chính bản thân mình. Nếu bạn không thể nào cảm nhận được điều đó vì luôn phải đối mặt với sự cản trở của người thân trong gia đình thì rõ ràng ở đây lối sống tối giản đã không phát huy được tác dụng của nó. Luôn có cách đề giải quyết và dung hòa mọi việc, hạn chế va chạm, tránh tối đa mọi rắc rối là kỹ năng cần phải học của người sống tối giản. Chúc các bạn thành công!!!