Tôi đã từng sử dụng qua khá nhiều ba lô, dù không phải là những loại quá mắc tiền nhưng tổng số tiền mà tôi đã từng bỏ ra để mua ba lô cũng thật sự không phải là ít.
Chiếc ba lô đầu tiên mà tôi đã từng mua là một chiếc Samsonite fake mua ở Chợ Bến Thành với giá 250.000đ. Dù vậy, nó đã theo tôi nửa đầu của quãng đời sinh viên, cùng tôi phơi nắng mưa trên đường phố Sài Gòn trước khi trở nên cũ mèm, bị rách và bục chỉ. Vậy mà cuối cùng tôi vẫn bán được nó với giá... 50.000đ qua trang rao vặt 5giay.vn.
Từ đó, tôi bắt đầu bỏ ra những số tiền lớn hơn để đầu tư vào các loại ba lô vì với tôi ba lô là một món đồ gần như không thể thiếu. Tiếp theo, nhờ bạn bè giới thiệu, tôi đến với các loại ba lô fake của Crumpler có mức giá từ 500.000 - 700.000đ. Có một dạo tôi cực kỳ yêu thích ba lô của Crumpler nhờ kiểu dáng lạ mắt và cũng khá bền bỉ. Tôi đã từng mua về ít nhất 5 - 6 cái ba lô Crumpler rồi bán bớt, cho hoặc xài cho tới lúc nó trở nên tàn tạ. Dù vậy, vẫn chưa có chiếc ba lô nào thật sự khiến tôi hài lòng tuyệt đối.
Cuối cùng, tôi từ bỏ hàng fake, đến với hàng chính hãng một số thương hiệu khá ổn, nhưng chưa có loại nào thật sự làm tôi hoàn toàn hài lòng. Đối với ba lô, tôi thường chọn dựa trên các tiêu chí sau: Cảm giác đeo, độ bền, ngoại hình, sức chứa, phù hợp với nhiều hoàn cảnh, và sự tiện dụng. Trước Xiaomi Urban Life Style (XULS) thì chiếc ba lô trong hình bên dưới của Elite có lẽ khiến tôi hài lòng nhất: Từ phần tay cầm dầy dạn, cảm giác đeo êm ái, sức chứa, cùng rất nhiều ngăn nhỏ chứa đồ tiện tích, không có gì phải chê ngoài trừ cái dáng hơi... xấu (theo quan điểm cá nhân), và vì chiếc ba lô ấy là tôi được tặng, có in logo của nơi tặng lên trên nên đôi lúc cảm giác làm giảm hẳn giá trị của chiếc ba lô. Dù vậy, tôi cũng đã dùng nó ít nhất 2 năm trước khi bán nó đi. Giá của chiếc ba lô này vào khoảng gần 800.000đ, các bạn có thể tham khảo tại đây.
Sau XULS, thì Elite Backpack là chiếc ba lô mà tôi thích nhất nhờ vào chất liệu, đồ bền, cảm giác thoải mái khi sử dụng. |
Vấn đề của những chiếc ba lô laptop đó là việc chia quá nhiều ngăn khiến nó tiện ích nhưng lại làm giảm sức chứa tổng thể, do đó chúng thích hợp để đi làm nhưng lại không phù hợp khi đi chơi đi du lich. Những chiếc ba lô thiên về du lịch thì kiểu dáng thường bụi bặm, không thích hợp với môi trường công sở, nhất là thể tích quá lớn khiến nó trở nên vướng víu khó sử dụng để di chuyển hàng ngày, đặc biệt là ở những nơi đông đúc như trạm tàu điện, xe bus. Ba lô du lịch thì thường là form mềm nên nếu không đựng đồ thì nhìn rất xấu. Đó là lý do tại sao đã xài gần chục cái ba lô nhưng cuối cùng tôi vẫn phải bán và tìm mãi vẫn chưa được cái ưng ý.
Mãi cho đến khi biết đến XULS thì mọi việc đã khác hẳn. Tiếc rằng, trải nghiệm đầu tiên của tôi với XULS lại khá hụt hẫng và bực bội. Số là tôi đã đặt mua chiếc XULS đầu tiên trên Tiki, điều bực mình thứ nhất là đơn hàng bị ngâm rất lâu mà không ai thèm xử lý, mãi tới khi tôi nhờ bạn làm trong Tiki can thiệp thì đơn hàng mới được xúc tiến. Điều bực mình thứ hai là tới khi nhận hàng thì họ giao cho tôi một chiếc ba lô bị... rách mép khiến tôi cực kỳ bức xúc và ấn tượng xấu về Tiki mãi tới bây giờ. Các bạn có thể đọc thêm về trải nghiệm đó tại đây: Ba lô Xiaomi Urban Life Style (Dark Blue) mua tại Tiki: Hàng lỗi hoặc xem thêm ở video bên dưới.
Sự cố đó khiến cảm giác háo hức trên tay của tôi bị giảm đi rất nhiều, dù vậy, tôi vẫn quyết định giữ lại trải nghiệm chiếc ba lô bị lỗi này, xem đó như một bài học cho riêng mình. Điều ngạc nhiên là, tôi đã thật sự rất rất hài lòng. Đó là lý do tại sao, ngày hôm nay, sau hơn nửa năm, tôi đã quyết định đặt mua thêm chiếc XULS thứ hai, phiên bản màu đen, để cùng với Xiaomi Simple 90 Minute, sẽ là hai người bạn đồng hành luôn bên tôi trên mọi nẻo đường.
Thứ nhất, về ngoại hình thì XULS mang lại cảm giác rất tối giản, ít chi tiết thừa. Ngoại hình của XULS cực kỳ phù hợp với môi trường làm việc công sở, ít nhất một vài người bạn của tôi khi thấy đều đã từng khen XULS đẹp và lịch sự, không nổi bật nhưng rất tinh tế. Về cảm giác đeo thì XULS không có gì phải chê vì rất êm ái nhờ vào những lớp mút dày trong dây đeo và mặt lưng. Ba lô không quá to, thậm chí nhìn nghiêng còn cho cảm giác nhỏ nhưng nhờ vào thiết kế chỉ có một khoang chính duy nhất cộng với rất nhiều ngăn nhỏ bên trong nên bạn hoàn toàn có thể mang được cùng lúc 2 chiếc laptop.
Tôi đã từng có chuyến công tác nước ngoài chỉ với chiếc ba lô này, mang theo 1 laptop 13 inch mà vẫn có chỗ để chứa vài bộ đồ, ít lương thực và rất nhiều đồ lặt vặt mà vẫn dư chỗ. Ngoại hình gọn gàng khiến cho XULS rất ít khi bị để ý, nhất là khi đi máy bay, nhân viên hãng thường không thèm cân ký XULS vì nhìn bề ngoài nó không có vẻ gì là cồng kềnh dù bên trong có thể rất nặng. Ở những chỗ đông người như sân bay, tàu điện thì XULS cũng rất gọn gàng, không gây khó chịu cho người khác. Nếu cần, tôi hoàn toàn có thể cầm XULS trên tay hoặc đặt giữa 2 chân cũng rất thoải mái.
Ngăn trước của XULS được tích hợp một dây móc chìa khóa, chi tiết nhỏ nhưng rất tiện lợi |
Dù nhỏ nhưng có võ, Xiaomi đã thiết kế rất nhiều những ngăn nhỏ bên trong, mà hữu ích nhất là ngăn chống thấm, ngăn đựng kính, ngăn đựng tablet và cả dây móc chìa khóa nữa. Ngăn laptop của XULS có thể đựng laptop tối đa 14 inch, tất nhiên, kích thước này chỉ có tính tương đối bởi vì có những laptop đời mời dù là màn hình 15 inch nhưng nhờ viền rất mỏng nên chỉ nhỏ bằng những máy 14, thậm chí 13 inch khác.
Nói về mức giá thì XULS thật sự rất dễ chịu, hiện tại giá của nó đang dao động ở mức từ 490.000đ - 600.000đ, không hơn. Có một số chỗ bán chặt chém một chút thì đẩy giá lên tới tận 799.000đ nhưng dù vậy thì mức giá này cũng vẫn xứng đáng với những gì mà chiếc ba lô này mang lại. Tuy vậy, tôi vẫn khuyên các bạn chỉ nên mua chiếc ba lô này ở mức giá từ 600.000đ đổ xuống mà thôi.
Tất nhiên, XULS vẫn còn có thể cải tiến hơn nữa để trở nên thật sự toàn hảo. Thứ nhất là Xiaomi có thể bổ sung ngăn phụ đựng thẻ (ATM, tàu điện) ngay trên quai đeo sẽ rất tiện lợi cho người dùng. Thứ hai là họ có thể may thêm một đoạn vải ở ngay phần lưng ba lô để móc vào tay cầm của va ly kéo. Thứ ba là bổ sung thêm một ngăn phụ nhỏ ở ngay phần lưng ba lô. Thứ tư là phần khóa kéo của XULS có thể khiến cho nó dễ bị móc túi khi bạn đeo sau lưng, do vậy cần phải cẩn thận ở những nơi đông người. Tất cả những cải tiến này đều đã xuất hiện ở những phiên bản ba lô khác của Xiaomi, nếu có thể đem 3 cải tiến cơ bản này xuống với XULS, thì sẽ khiến cho XULS trở thành một trong những chiếc ba lô tốt nhất mọi thời đại.