Như các bạn đã biết thì Thái Lan không yêu cầu visa du lịch đối với công dân Việt Nam nếu như bạn tới Thái Lan bằng máy bay và ở lại dưới 30 ngày. Còn nếu bạn ở từ 30 ngày trở lên, hoặc để phục vụ cho những mục đích khác như đi làm thì buộc phải xin visa. Bài viết này tôi sẽ chia sẻ toàn bộ kinh nghiệm thực tế của mình về việc xin giấy tờ đi làm ở Thái Lan.
Cuối tháng 4 năm 2019, tôi chính thức nghỉ việc tại công ty đã gắn bó gần 7 năm trời, bắt đầu những dự định mới cho tương lai, dù thời điểm đó tôi cũng chưa thật sự có dự định gì rõ ràng. Sau khoảng 2 tuần nghỉ ngơi, cứ mỗi tuần tôi lại bắt đầu gửi CV đến các công ty phần mềm trong khu vực Đông Nam Á. 3 công ty đầu tiên tôi gửi CV thậm chí không thèm feedback bằng email làm tôi hơi buồn một chút.
Khoảng đầu tháng 6, tôi gửi CV xin việc cho vị trí Kỹ sư phần mềm tới một công ty ở lớn Thái Lan và bất ngờ được chấp thuận. Sau 3 vòng phỏng vấn online, đúng 1 tháng sau kể từ ngày nộp CV, tôi được mời bay qua Thái Lan trong 3 ngày để tham dự phỏng vấn face-to-face.
Đọc thêm:
- Tôi đã tìm việc ở Thái Lan như thế nào?
- Trải nghiệm du lịch Thái Làn hoàn toàn miễn phí.
Hai ngày sau khi về nước, tôi được offer mức lương và ký hợp đồng (hợp đồng được ký điện tử, không cần phải ký trực tiếp tại Thái Lan). Phía bên công ty có hẳn một team chuyên lo về việc visa cho các nhân viên của công ty rất chuyên nghiệp. Tất nhiên, tôi cũng bắt đầu tự tìm hiểu về thủ tục làm việc ở Thái.
Để đi làm ở Thái Lan, tôi cần phải có sự cho phép/giấy phép của 2 cơ quan chính phủ: Thứ nhất là thư chấp thuận (Board of Investment - BOI) của Bộ Lao Động Thái Lan, thứ hai là thị thực làm việc (working visa) của Đại sứ quán/Tổng lãnh sự quán Thái Lan tại Việt Nam.
I. XIN THƯ CHẤP THUẬN CỦA BỘ LAO ĐỘNG THÁI LAN
Để có được thư chấp thuận, dĩ nhiên phía công ty bên Thái sẽ đi lo thủ tục giúp tôi, nhưng tôi cũng phải chuẩn bị đầy đủ những giấy tờ sau (toàn bộ giấy tờ là bản mềm và phải được scan màu bằng máy scan, không cần gửi bản cứng, không được dùng điện thoại chụp hoặc scan bằng các phần mềm như CamScanner) gửi lại cho họ để review trước khi họ đem đi nộp:
1) Hộ chiếu (còn hạn ít nhất 6 tháng và phải dư ít nhất 4 - 5 trang giấy).
2) Giấy xác nhận kinh nghiệm làm việc bằng tiếng Anh của công ty cũ: Mục đích của giấy này để chứng minh bạn có kinh nghiệm làm việc full-time ít nhất 2 năm liên quan tới vị trí mà bạn sắp làm tại Thái Lan (trong trường hợp của tôi là lĩnh vực phần mềm). Lưu ý: Hợp đồng lao động không thể thay thế được giấy này, không chấp nhận kinh nghiệm thực tập, làm việc part-time hoặc kinh nghiệm thử việc. Đọc thêm: Mẫu giấy xác nhận kinh nghiệm làm việc bằng tiếng Anh.
3) Bằng cấp liên quan (bằng đại học, chứng chỉ), nếu có bảng điểm có những môn học liên quan tới ngành phần mềm càng tốt.
4) Nếu có vợ con đi theo thì phải có Đăng ký kết hôn, Khai sinh của con, Hộ chiếu của vợ và con. Những giấy tờ nào chỉ có tiếng Việt thì bạn phải gửi kèm bản dịch tiếng Anh (không cần công chứng) cho công ty. Chi tiết cụ thể sẽ tùy theo phía công ty bên Thái hướng dẫn.
Giấy tờ của tôi thì tương đối đầy đủ, chỉ thiếu mỗi xác nhận kinh nghiệm làm việc. Thời điểm đó, tôi đã nghỉ việc ở công ty cũ nên phải quay lại công ty xin giấy này. Cũng may là mọi việc khá dễ dàng và suôn sẻ, tôi chỉ phải chạy lên công ty 2 lần, trao đổi qua email và được bên nhân sự hỗ trợ tận tình. Đúng 1 tuần sau thì hồ sơ của tôi được phía công ty bên Thái thông qua và họ bắt đầu cầm đi xin thư chấp thuận của Bộ Lao Động Thái Lan. Khoảng gần 3 tuần sau đó, mãi tới đầu tháng 8 thì thư chấp thuận được cấp, công ty ngay lập tức đóng gói toàn bộ giấy tờ gửi chuyển phát nhanh DHL về Việt Nam cho tôi, chưa đầy 24 tiếng đã được trao tận tay. Lúc này, tôi bắt đầu chuẩn bị hồ sơ đi xin visa.
Gói tài liệu mà tôi nhận được từ công ty bên Thái |
II. XIN THỊ THỰC LÀM VIỆC TẠI TỔNG LÃNH SỰ QUÁN THÁI LAN TẠI TP. HCM
(*) Những giấy tờ của công ty tuyển dụng tại Thái Lan gửi cho tôi bao gồm:
1) Giấy phép thành lập công ty.
2) Danh sách cổ đông công ty.
3) Hồ sơ giới thiệu về công ty.
4) Chi tiết hoạt động kinh doanh.
5) Bản đồ nơi đặt công ty tại Thái Lan.
6) Bản sao kê tài chính, việc trả thuế của công ty (Por Ngor Dor 50 và Por Ngor Dor 30).
7) Bản đăng kí trả VAT (Por Por 20).
8) Thư xác nhận của công ty tuyển dụng tại Thái Lan (trong thư nêu rõ vị trí công việc, mức lương và thời hạn làm việc).
9) Thư đồng ý từ Bộ Lao động Thái Lan hoặc Board of Investment (BOI).
Trong đó thì 8) và 9) là 2 thứ quan trọng nhất.
(**) Theo hướng dẫn từ trang web của Tổng Lãnh sự quán Thái Lan tại Sài Gòn, tôi chuẩn bị thêm những giấy tờ sau:
1) Hộ chiếu hoặc giấy thông hành còn thời hạn trên 6 tháng.
2) Đơn xin thị thực (điền đầy đủ, dán sẵn một tấm hình 3.5 x 4.5 cm).
3) 1 tấm hình 4x6 mới nhất
4) Bằng đại học.
5) Bảng điểm.
6) Xác nhận kinh nghiệm làm việc.
7) Vé máy bay.
8) Đặt phòng khách sạn.
Phí làm visa loại Non Immigrant B là 80 USD tiền mặt, chỉ nhấp nhận trả bằng tiền Mỹ, không chấp nhận tiền Việt, kể cả tiền Thái. Và bạn phải chuẩn bị đúng 80 USD, không thừa, không thiếu.
Lãnh sự quán Thái Lan tại Sài Gòn nằm ở số 77 đường Trần Quốc Thảo, ngay gần ngã 4 giao với đường Điện Biên Phủ, gần với Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản. Khung giờ làm việc của bộ phận thị thực là từ 8h30 - 11h30 sáng và 1h30 - 3h00 chiều từ thứ hai tới thứ sáu. Thông thường bạn sẽ tới vào buổi sáng để nộp hồ sơ và thị thực sẽ được cấp vào khung giờ chiều sau 1 hoặc 2 ngày làm việc. Trước khi tới, nhớ xem trước lịch nghỉ lễ của Lãnh sự quán để tránh mất công vô ích.
Vị trí Tổng Lãnh sự quán Thái Lan trên Google Maps |
Cảnh xếp hàng quen thuộc ở 77 Trần Quốc Thảo. Nguồn ảnh: Google Maps. |
Sáng hôm đó, tôi đến 77 Trần Quốc Thảo vào đúng 8h30 sáng thì đã thấy khá nhiều người xếp hàng từ ngoài cổng, mà chủ yếu là người nước ngoài xin visa du lịch, người Việt Nam thì khá ít. Tâm trạng của tôi dù không quá căng thẳng nhưng cũng không tránh khỏi chút hồi hộp vì sợ bị bắt bổ sung thêm giấy tờ gì đấy khiến mất thêm thời gian.
Khác với Lãnh sự quán Mỹ thì xin visa ở Lãnh sự quán Thái bạn sẽ không cần phải đặt lịch hẹn trước, cứ tới thẳng đó mà thôi. Bạn sẽ không được phép vào bên trong khuôn viên của Lãnh sự mà chỉ được đứng ngoài trên vỉa hè, đợi tới lượt vào cánh cổng sắt nhỏ bên hông. Phía dưới lòng đường, khá nhiều người đi xe tò mò nhìn vào hàng người đứng đợi trước cổng Lãnh sự quán trong lúc dừng đèn đỏ.
Đọc thêm kinh nghiệm xin visa Mỹ:
- Trải nghiệm xin visa Mỹ B1/B2 tại Sài Gòn và Hà Nội
- Tôi đã fail visa H1B như thế nào?
An ninh ở khu vực Tổng Lãnh sự quán Thái Lan theo quan sát của tôi thì dễ chịu hơn rất nhiều so với Lãnh sự quán Mỹ. Xe ô tô, xe máy được phép thả người ngay phía trước cổng chính, nếu là ở Lãnh sự quán Mỹ thì sẽ có nhân viên an ninh chạy ra đuổi đi ngay. Bạn cũng được phép mang cả ba lô vào bên trong quầy làm việc mà không cần phải soi chiếu. Ở Lãnh sự Mỹ thì tôi buộc phải gửi lại toàn bộ điện thoại, đồ điện tử, vật sắc nhọn kể cả chìa khóa tại quầy ngoài rồi mới được phép đi vào bên trong.
Đến lượt tôi bước vào thì phòng tiếp khách tới xin visa chỉ là một căn phòng khá nhỏ, sau quầy có 2 nhân viên lãnh sự cùng nhau làm việc. Tôi tiến đến người nhân viên phía bên phải, đưa hộ chiếu cùng toàn bộ hồ sơ. Người nhân viên xem nhanh thư mời và thư chấp thuận, còn lại toàn bộ giấy tờ cá nhân ở mục (**) phía trên thì người nhân viên chỉ giữ lại 1) và 2), những giấy tờ từ 3) trở đi thì không cần xem qua và trả lại hết :v Toàn bộ giấy tờ của công ty gửi qua ở mục (*) thì họ giữ hết và không trả lại nhé.
Sau đó tôi đóng 80 USD, và người nhân viên cấp cho tôi một tờ biên nhận bằng tiếng Anh, hẹn chiều ngày hôm sau quay lại lấy, rất nhanh. Tờ biên nhận này tôi sẽ dùng để mang qua Thái Lan lấy lại 80 USD đã đóng. Lý thú hơn, trên tờ biên nhận đã có ghi sẵn số visa (visa no.), mặc dù theo lý thuyết không có gì đảm bảo bạn sẽ được cấp visa ngay cả khi hộ chiếu đã được giữ lại.
Giấy biên nhận |
Chiều hôm sau, tôi bắt xe bus lên Bến Thành rồi đi bộ lại Lãnh sự quán, quãng đường tầm 2 cây số, đi chầm chậm mất khoảng nửa tiếng. Ngang qua công viên Tao Đàn, tôi ghé vào đi vệ sinh và nghỉ ngơi một chút rồi mới đi tiếp. Tới nơi thì mới chỉ có 1h chiều, tôi đứng nói chuyện giết thời gian với một cặp đôi người Mỹ và một bạn nữ Việt Kiều Mỹ tên Jennie nhưng bạn này không nói được tiếng Việt, chỉ nói được tiếng Anh. Tất cả đều xin visa du lịch, chỉ có giá 40 USD. Đến giờ, nhân viên gác cổng mở cửa mời mọi người vào. Thật vui vì hồ sơ của tôi được chấp thuận mà không có trục trặc gì. Visa của tôi được cấp có thời hạn 3 tháng, là Single Entry.
Như vậy là tính từ lúc bắt đầu gửi CV tới lúc đầy đủ giấy tờ để làm việc hợp pháp tại Thái Lan, tổng thời gian vào khoảng gần 3 tháng. Sau khi qua được Thái Lan và có work permit thì phía công ty sẽ tiếp tục hỗ trợ tôi gia hạn. Tới đó thì tính tiếp, còn trước mắt là chuẩn bị lên đường cho một chuyến phiêu lưu mới thôi. Ngay khi qua được tới Thái Lan, tôi sẽ tiếp tục chia sẻ với các bạn những trải nghiệm lúc đi qua Hải quan Thái Lan bằng visa làm việc và trải nghiệm làm việc tại Thái Lan.
Cập nhật 1/9/2019: Hiện tôi đã bắt đầu làm việc tại Thái Lan được 1 tuần, những trải nghiệm của tôi tiếp tục được chia sẻ trong bài viết này: Sống và làm việc tại Bangkok, những ngày đầu của cuộc sống mới, mời các bạn cùng theo dõi.