Sau khi đã có đầy đủ vé máy bay và visa làm việc, tôi từ biệt gia đình và một mình bay qua Bangkok một ngày cuối tuần. Thủ tục lên máy bay hầu như không có gì trục trặc do tôi chỉ mang theo một ba lô và một chiếc túi nhỏ đeo vai, hành trang không thể giản dị hơn. Đến sân bay Suvarnabhumi Bangkok, vì có visa B nên tôi không phải xếp hàng chung với khách du lịch mà được đi riêng một đường Fast Track dành riêng cho những người có visa.
Bài viết này là phần tiếp theo trong chuỗi bài viết về cuộc sống sinh hoạt và làm việc tại Thái Lan. Mời các bạn đọc lại những phần trước:
- Tôi đã tìm việc ở Thái Lan như thế nào?
- Kinh nghiệm xin visa non-immigrant B làm việc tại Thái Lan
Để bắt đầu một cuộc sống mới ở một nơi hoàn toàn xa lạ, có 3 điều mà tôi luôn phải chú ý giải quyết đầu tiên: Thứ nhất là giao tiếp, thứ hai là nơi ăn chốn ở, và cuối cùng là liên lạc.
Toàn bộ hành trang mà tôi mang theo khi đến Bangkok, chỉ có một ba lô và một chiếc túi nhỏ, không có hành lý ký gửi |
Với giao tiếp, rõ ràng đây là một khó khăn lớn nhất vì tôi hoàn toàn không biết tiếng Thái, rất may là ở đây vẫn có những người nói được tiếng Anh ở mức khá hoặc rất tốt bên cạnh những người hoàn toàn không nói được tiếng Anh. Về đường dài, tôi tranh thủ thời gian rảnh để học tiếng Thái và mặt chữ cơ bản thông qua các video YouTube dạy cho người nói tiếng Anh. Như vậy, dù thế nào đi chăng nữa thì tiếng Anh vẫn là điều kiện tiên quyết để bạn có thể giao tiếp trực tiếp hoặc để gián tiếp làm cầu nối học các ngôn ngữ khác.
Về nơi ăn chốn ở thì tạm thời tôi được sắp xếp ở một chỗ tạm trong 1 tháng do công ty đặt trước tại khu Sukhumvit. Qua đây rồi, tôi vẫn còn 2 loại giấy tờ cần hoàn tất là giấy phép lao động (work permit) và visa mới. Visa mới này có thời hạn từ 1 - 2 năm và là loại visa multiple (M) cho phép tôi tự do ra vào Thái nhiều lần trong thời hạn visa. Visa mà tôi dùng để vào Thái Lan lần đầu là visa B chỉ có thời hạn 3 tháng và dấu single (S). Khi đã có đầy đủ giấy tờ, tôi sẽ phải tự kiếm nhà để ở.
Nơi ở tạm của tôi là một serviced apartment ở khu phố ăn chơi Sukhumvit |
Việc ăn uống ở Thái Lan cũng không quá bất tiện. Tôi không nấu ăn, lại là một người ăn uống rất đơn giản nên dù là món lề đường hay trong nhà hàng sang trọng thì tôi đều cảm thấy ổn. Dĩ nhiên thì ăn lề đường nhiều hơn chứ ăn nhà hàng riết tốn kém lắm. Những người bán hàng lề đường ở Bangkok hầu hết đều khá lịch sự. Họ có thể nói được tiếng Anh ở mức rất cơ bản phục vụ cho việc mua bán như giá tiền, loại món ăn. Ngược lại, bạn cũng nên học một số câu giao tiếp tiếng Thái cơ bản như số đếm và trả giá. Các hộp cơm bán lề đường cho học sinh, dân văn phòng có mức giá tầm ฿30 - ฿40. Các suất ăn trong những nhà hàng nhỏ, quán bar có thể dao động từ ฿100 tới hơn ฿400. Một chai bia Asahi 330ml có mức giá khoảng ฿95, một chai bia Leo 620ml có mức giá khoảng ฿120 (đang nói giá trong bar/pub nhé, giá ở 7-eleven thì rẻ hơn), mắc hơn khá nhiều so với Việt Nam. (฿1 hay 1 Baht có tỷ giá quy đổi khoảng 758 đồng Việt Nam ở thời điểm tôi đang viết bài.)
Một suất burger như này trong một cửa hàng ăn nhỏ có giá tầm hơn ฿200 |
Suất cơm lề đường này có giá ฿40 |
Suất cơm lề đường này có giá ฿30 |
Về phương tiện liên lạc, ngay khi tới sân bay bạn có thể lại quầy của TrueMove (một trong những tập toàn viễn thông được ưa chuộng nhất tại Thái, tương tự như Viettel, Mobifone của Việt Nam) để mua sim nhưng ở đó chỉ bán sim loại dành riêng cho khách du lịch (tourist SIM) với mức giá tối thiểu từ ฿299 trở lên tùy theo loại sim. Với những loại sim này, bạn sẽ được sử dụng mạng gần như tẹt ga không phải lo nghĩ, tuy nhiên thời hạn sử dụng sẽ bị giới hạn từ 3 - 8 ngày. Sau đó, nếu muốn tiếp tục sử dụng, bạn sẽ phải đóng tiền gia hạn hoặc chuyển đổi gói cước, khá phiền phức nên tôi bỏ qua, cứ về khách sạn trước rồi tính.
Người dân Thái Lan rất tôn sùng tín ngưỡng, bạn có thể thấy cảnh cúng bài, dâng lễ ở khắp mọi nơi
Công ty cũng đã đặt sẵn xe limousine đưa đón tôi từ sân bay về khách sạn nên tôi cũng đỡ được một khoản tiền. Phòng ốc công ty đặt cho thì không có gì để chê, nhân viên lịch sự chu đáo, mọi thứ đều cho cảm giác luxury.
Tuần đầu tiên đi làm, mọi việc hầu như đều ổn chưa có gì quá hớp. Đồng nghiệp đến từ nhiều quốc gia khác nhau hầu hết là vui vẻ và thân thiện. Cũng đã gần tới ngày mở tài khoản ngân hàng nên tôi cần phải có một số điện thoại liên lạc tại Thái Lan. Sau một hồi tìm kiếm trên Internet thì tôi phát hiện ra TrueMove có bán một loại Sim dành cho học sinh sinh viên với tên gọi Super Fun Sim For Teens với giá chỉ ฿49 được mua ngay tại bất kỳ cửa hàng 7-Eleven nào. Để mua được thì bạn buộc phải xuất trình hộ chiếu. Sau mỗi 30 ngày thì các bạn phải top up (nạp card) khoảng ฿100.
Với package này thì tôi có 500 MB data free mỗi lần top up, 2 GB để xem YouTube, data không giới hạn để xem nội dung trong app TrueID hoặc chơi game RoV, gọi điện miễn phí tới số điện thoại cùng mạng TrueMove trong khoảng thời gian từ 5 giờ sáng đến 5 giờ chiều. 500 MB thì quá ít, chỉ đủ để nhắn tin mà thôi, bù lại, package này cho phép tôi truy cập wifi miễn phí tại hầu hết các cửa hàng tiện lợi 7-Eleven, cả trên điện thoại lẫn máy tính. Và ở Bangkok thì cứ 100m lại có 1 cửa hàng 7-Eleven nên tôi không bao giờ lo "mất mạng" khi di chuyển đến chỗ làm.
■ Các bạn có thể xem thêm các package trả trước khác của TrueMove tại đây.
■ Chi tiết về sim data của TrueMove, hướng dẫn kết nối wifi của TrueMove mời các bạn đọc thêm ở bài viết: Du lịch Thái Lan: Làm sao để có Internet ngon bổ rẻ?
7-Eleven ở Bangkok có mật độ dày đặc từ đường lớn vào đường hẻm, chưa kể các chuỗi cửa hàng tiện lợi khác như Family Mart, Lawson v.v... |
Theo luật mới từ chính phủ Thái Lan, kể từ ngày 19/8/2019, các lao động nước ngoài làm việc tại Thái Lan phải có giấy khám sức khỏe bắt buộc tại các cơ sở khám chữa bệnh được chỉ định tại Thái Lan. Trước đây thì bạn có thể khám ở Việt Nam và submit giấy sức khỏe này nếu nội dung được ghi bằng tiếng Anh, nếu chỉ có tiếng Việt thì phải tốn tiền dịch qua. Vậy nên, ngay ngày thứ hai tại Thái Lan, tôi đã đi thẳng tới Bệnh viện Sukhumvit để xin giấy sức khoẻ. Việc xin giấy khá dễ dàng vì nhân viên của bệnh viện đã quen với loại giấy tờ này. Tôi chỉ cần xuất trình hộ chiếu, điền vào giấy khám và lấy máu là xong. Kết quả chứng nhận có ngay sau 1 tiếng. Chi phí khám vào khoảng ฿1,329. Tất nhiên, số tiền này sẽ được công ty hoàn lại khi tôi đã có tài khoản ngân hàng.
Thẻ khám bệnh tại Bệnh viện Sukhumvit |
Trong tuần tiếp theo, tôi có mặt tại văn phòng OSSC (One Stop Service Center) tại Chamchuri Square để hoàn tất thủ tục làm work permit và chuyển sang visa dài hạn dấu M. Thủ tục khá đơn giản vì phía công ty đã lo hết tất cả mọi thứ. Tôi chỉ cần có mặt, đợi gọi tên chụp ảnh. Ngay sau đó, mật khẩu và tài khoản đăng nhập sẽ được gửi vào email, tôi chỉ cần đăng nhập vào app D-work Permit trên điện thoại là xong. Nếu bạn chưa biết thì trước đây work permit là một cuốn sổ nhỏ giống như passport, nhưng sau này đã được cải tiến và số hóa hoàn toàn và được thay bằng một ứng dụng trong điện thoại (Android hoặc iOS).
Visa 4 năm (bên phải) do OSSC cấp |
Visa do OSSC cấp là một con dấu được đóng trực tiếp vào passport có thời hạn lên tới 4 năm (hoặc 2 năm tùy theo công ty). Sau khi có được visa này thì tôi có thể ra vào Thái Lan thoải mái bằng visa. Nếu công ty của bạn apply visa tại OSSC thì bạn sẽ được miễn luật TM30, và được ưu tiên nhập cảnh bằng Fast Track lane tại sân bay Suvarnabhumi, không còn phải chờ đợi mòn mỏi cùng khách du lịch nữa. Tuy vậy, bạn vẫn phải theo luật 90 Day Report nếu như thời gian tạm trú của bạn ở Thái Lan lên tới 90 ngày liên tiếp. Nhưng như tôi thì mỗi tháng về thăm nhà 1 lần nên luật này không có tác dụng mấy vì thời gian cư trú liên tiếp tôi sẽ được reset về 0 mỗi khi tôi rời khỏi Thái Lan. Các bạn có thể đọc thêm về luật này tại đây: https://extranet.immigration.go.th/fn90online/online/tm47/TM47Action.do