Rasbperry Pi là một dòng máy tính mini chỉ bao gồm bo mạch được phát triển ở Anh bởi Raspberry Pi Foundation với mục đích ban đầu là để hỗ trợ việc giảng dạy khoa học máy tính trong nhà trường ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, Raspberry Pi còn làm được nhiều hơn thế. Với mức giá rẻ, kích thước nhỏ gọn, khả năng tùy biến cao, mức độ tiêu thụ điện năng thấp, người ta đã ứng dụng Pi để xây dựng nên các VPN server, các hệ thống camera giám sát, hệ thống giải trí đa phương tiện, hay chỉ đơn giản là dùng nó như một chiếc máy tính văn phòng vô cùng nhỏ gọn có thể mang đi khắp mọi nơi.
Vì phải thường xuyên di chuyển, vác theo laptop thì tôi khá ngại vì nặng nề. Nhu cầu sử dụng máy tính của tôi hết sức đơn giản vì tôi không chơi game. Khi cần làm những công việc chuyên môn nặng nề thì tôi đã có Macbook của công ty. Những khi về Việt Nam hay về quê, tôi chỉ đơn giản là cần một chiếc máy tính cá nhân nhỏ gọn để check mail, lướt web, xem YouTube và vẫn có thể làm được những công việc đơn giản như tải phim, tải nhạc, convert hình ảnh, âm thanh, viết blog, dựng video đơn giản v.v.. thì Raspberry Pi hoàn toàn có thể đáp ứng tốt tất cả những yêu cầu trên. Đặc biệt, nếu bạn có nhu tìm hiểu và thực hành Linux thì Pi là một sự lựa chọn vô cùng hoàn hảo.
Kênh YouTube Explaining Computers thử nghiệm sử dụng Pi 4 thay thế hoàn toàn cho mọi tác vụ hàng ngày
Phiên bản Pi mà tôi sử dụng là Pi 4, được đặt mua tại Lazada Thái Lan. Tổng thiệt hại bao gồm:
- Bo mạch Pi 4: 2,090 THB.
- Case nhựa trong suốt kèm heat sink và quạt tản nhiệt: 180 THB.
- Cục sạc Type-C 3A: 199 THB.
- Adapter chuyển từ cổng HDMI sang Micro HDMI: 150 THB.
=> Tổng thiệt hại là 2,619 THB tương đương 1,900,000đ ở thời điểm hiện tại. Thẻ nhớ 32 GB thì tôi đã có sẵn nên không cần phải mua thêm.
Pi 4 có đầy đủ các cổng kết nối cơ bản như USB, USB 3.0, cho phép xuất cùng 2 lúc màn hình ở độ phân giải 4K (quá khủng), có đầy đủ kết nối bluetooth và wifi, thậm chí còn có cả cổng mạng LAN nữa. Thật không thể tưởng tượng được có ngày chiếc thùng máy PC to cồng kềnh nặng nề trước đây giờ đã được thu gọn lại chỉ còn bằng bao thuốc lá.
Việc cài đặt Pi 4 là khá dễ dàng, tôi thậm chí không cần phải sử dụng tới máy tính. Tôi chỉ việc gắn thẻ nhớ vào điện thoại, format thẻ, tải về file NOOBS Lite, xả nén ngay trên điện thoại và chép toàn bộ vào thẻ nhớ là xong. Sau đó, chỉ việc cắm thẻ nhớ vào Pi 4, điều quan trọng là khi kết nối với màn hình cho lần cài đặt đầu tiên, hãy kết nối thông qua cổng Micro HDMI sát cạnh cổng sạc, nếu kết nối với cổng còn lại thì Pi 4 sẽ bị đứng ở màn hình 7 màu. Để có thể suất được âm thanh ra TV, bạn cũng phải kết nối TV với Pi 4 qua cổng này luôn. Đây có lẽ là một lỗi của Pi 4 sẽ được khắc phục trong những phiên bản sau.
Bạn có thể xem video dưới đây để hiểu rõ hơn cách cài đặt Pi 4 cũng như những thiết lập ban đầu.
Nhìn chung, Pi 4 hoạt động khá ổn định nếu như bạn đã có đầy đủ các giải pháp tản nhiệt cho nó. Như tôi thì dùng heat sink và quạt tản nhiệt. Bản chất hệ điều hành Raspbian vốn là Debian, nôm na là Linux đã khá ổn định rồi. Kết hợp thêm nếu bạn có chút kiến thức về Linux command nữa thì việc sử dụng hoàn toàn không có gì khó khăn và phức tạp. Tuy nhiên, nếu bạn có ý định sử dụng Pi 4 một cách hard core như để chơi game, dựng video 4K thì xin bạn hãy từ bỏ ngay ý định đó vì Pi 4 sinh ra không phải để dành cho các use case như vậy, bản thân cấu hình của Pi 4 cũng không thể nào đáp ứng được các tác vụ nặng nề đó.
Thực tế sử dụng khi đặt Pi 4 trên bàn làm việc với case trong suốt như hình thì rất đẹp và gọn gàng vì tôi sử dụng kết nối bluetooth cho chuột và bàn phím nên không có quá nhiều dây nhợ |