Mang thai 4 tháng, thất nghiệp và chỉ còn biết trông cậy vào tiền vay mượn từ bạn bè, War War Hywe, một lao động nhập cư 29 tuổi đến từ Mandalay (Myanmar), chỉ có một mong ước duy nhất là được trở về nhà. Ít nhất nếu về nhà, cô cũng đủ nuôi sống bản thân và đứa con chưa ra đời.
Nhưng thực tế khắc nghiệt đang diễn ra là biên giới vẫn đóng cửa và cô không thể tìm được việc mới giữa cuộc khủng hoảng Covid-19 dai dẳng, mặc cho nợ nần ngày càng chồng chất. Chồng của Hywe đã về Myanmar để xin cấp hộ chiếu mới trước khi khủng hoảng bất ngờ xảy ra và biên giới đã đóng cửa trước khi anh ấy có thể quay lại Thái Lan.
War War Hywe hiện đang sống một mình trong một căn phòng thuê nhỏ ở khu Om Yai thuộc thành phố Nakhon Pathom, nơi cô và chồng từng làm việc trước đây cho một nhà máy dệt trong 5 năm trước khi cơ sở này bị đóng cửa.
Cô buộc phải sử dụng tiền tiết kiệm để trả tiền thuê nhà và mua đồ ăn nhưng chẳng mấy chốc thì tiền cũng hết, buộc cô phải đi vay nợ. Hywe đã chuyển chỗ trọ, chia tiền phòng với những lao động nhập cư khác để giảm chi phí.
Cô vẫn còn nhớ khi ông chủ nhà máy thông báo cho cô và các đồng nghiệp nghỉ không lương. Và không lâu sau đó, cô chính thức lâm vào cảnh mất việc làm.
Trong khi những công nhân người Thái ở nhà máy được hỗ trợ bởi hệ thống an sinh xã hội và được nhận trợ cấp thất nghiệp, thì các công nhân nhập cư giữ thẻ hồng (pink card) không được may mắn như vậy. Thẻ hồng chỉ cho phép các công nhân nhập cư quyền làm việc tạm thời ở Thái Lan trong khi chờ giấy phép lao động (work permit).
"Bạn bè đồng ý giúp tôi chia tiền phòng và kiếm tiền để mua thức ăn. Họ tội nghiệp tôi," War War Hywe nói, và cho biết thêm là số nợ của cô đã lên tới hơn 10,000 baht. "Bây giờ tất cả những gì tôi muốn là có ai đó giúp tôi về nhà để tôi không phải một mình đối mặt với tất cả những chuyện này nữa."
"Nếu tôi đang không mang thai, bỏ một bữa ăn cũng không vấn đề gì. Nhưng giờ đây đang có thai bốn tháng, tôi rất lo cho sức khoẻ của em bé," cô vừa nói vừa vuốt ve cái bụng ngày càng to dần. Giờ đây tất cả những gì cô có thể làm là nói với đứa con trong bụng phải mạnh mẽ trong lúc chờ đợi chồng mình quay trở lại.
Đối với Khamphun, một lao động nhập cư nam người Lào, thì tình cảnh có vẻ đỡ hơn một chút. Anh vẫn còn việc làm, mặc dù giờ đây anh chỉ làm hai đến ba ngày một tuần, kiếm được khoảng 20% tới 30% so với mức thu nhập trước khi Covid-19 xảy ra.
Anh từng làm việc cho một nhà máy nhựa ở khu Rama II của Bangkok trong hơn 10 năm. Trước khủng hoảng, anh và vợ thường gửi về nhà 10,000 baht mỗi tháng, phần lớn số tiền được dùng để trả nợ ngân hàng và nuôi các con ở Lào. Giờ đây, hai vợ chồng phải xoay xở để chuyển về Lào chỉ 2,000 baht mỗi tháng vì họ phải cắt giảm chi phí. Mẹ của Khamphun đã phải vay mượn để trả nợ cho anh.
"Tôi chỉ mong khủng hoảng Covid-19 sớm kết thúc để mọi thứ trở về bình thường," anh nói.
Đại dịch đã dập tắt trong anh hy vọng trả nợ ngân hàng trong hai năm và tiết kiệm 200,000 baht để mở cửa hàng sửa chữa đồ điện tử mà anh hàng mơ ước tại quê nhà thuộc tỉnh Savannakhet.
Anh và vợ vẫn còn được hỗ trợ bởi hệ thống an sinh xã hội. Khoảng 500 bath được trích từ thu nhập của họ mỗi tháng để đóng góp vào Quỹ bảo hiểm xã hội (Social Security Fund - SSF). Tuy nhiên, quỹ đã tạm dừng các khoản đóng góp của người lao động trong ba tháng cho đến tháng tiếp theo của cuộc khủng hoảng Covid-19.
Việc tạm dừng đóng quỹ SSF hàng tháng được xem là một trong những biện pháp nhằm giảm chi phí cho người lao động. Các tổ chức phi chính phủ bảo vệ quyền lợi của người lao động đã kêu gọi chính phủ có hành động nhiều hơn nhằm bù đắp tác động của sự suy thoái kinh tế từ cuộc khủng hoảng đối với lao động nhập cư. Họ đề nghị chính phủ nên dành ra một quỹ giúp thúc đẩy việc làm và hỗ trợ tài chính cho việc phục hồi của các doanh nghiệp bị thiệt hại bởi sự bùng phát của Covid-19.
Lược dịch bởi Gia Phi - Theo BangkokPost