Seven Years In Tibet (1997) có thể được xem là một trong những bộ phim kinh điển dựa trên những sự kiện lịch sử có thật. Vốn dĩ khó có thể cảm nhận trọn vẹn cái hay của những bộ phim kinh điển ngay từ lần xem đầu tiên. Để có thể hiểu hết được nội dung phim, lời thoại và tâm lý của nhân vật thì người xem cũng cần phải có những kiến thức cơ bản về địa lý, lịch sử, văn hoá, và cuối cùng là trải nghiệm trong cuộc sống. Thật ngạc nhiên là chỉ qua một bộ phim mà chúng ta có thể học hỏi được nhiều điều đến vậy.
Heinrich Harrer (Brad Pitt thủ vai) là một vận động viên leo núi tài năng người Áo. Dù vậy, Heinrich lại cực kỳ lỳ lợm và kiêu ngạo. Khát khao lớn nhất của Heinrich là có thể chinh phục đỉnh Nanga Parbat, đỉnh núi cao thứ 9 thế giới thuộc dãy Himalayas. Để làm được điều đó, Heinrich chấp nhận bỏ lại người vợ đang mang thai để tới Ấn Độ và leo núi dưới danh nghĩa của người Đức. Dù vậy, chuyến leo núi đã không thể thành công vì một biến cố bất ngờ. Vào năm 1939, Đức và Anh tuyên bố chiến tranh. Khi đó, Ấn Độ vẫn còn đang là thuộc địa của Anh. Vì vậy, Heinrich và những người đồng đội Đức của mình bị coi là tù nhân chiến tranh và bị giam trong một trại tù chiến tranh ở Ấn Độ.
Mãi tới năm 1942, Heinrich và Peter Aufschnaiter (đội trưởng team leo núi Đức) đã cùng trốn trại và sống lang thang ở khu vực Tây Tạng. Cả hai tới thủ đô Lhasa của Tây Tạng vào năm 1946 và may mắn được phép ở lại để giúp chính phủ làm các công việc hành chính, chụp ảnh, đo đạc v.v... Trong thời gian này, Heinrich đã được gặp gỡ và tiếp xúc với Dalai Lama (Đạt Lại Lạt Ma) thứ 14. Dalai Lama khi đó chỉ là một cậu bé ở lứa tuổi thiếu niên (ông sinh năm 1935), nhưng ông đã sớm bộc lộ sự ham học hỏi và trí tuệ thông minh hơn người. Nhờ Heinrich, Dalai Lama biết được thêm rất nhiều điều về thế giới rộng lớn ngoài kia. Hai người dần trở nên gắn bó và thân thiết.
Phần còn lại thì như chúng ta đã biết, Trung Quốc đã xâm lược và chiếm đóng Tây Tạng. Dalai Lama buộc phải sống lưu vong ở Ấn Độ đến tận ngày nay. Năm 1989, Dalai Lama được trao giải Nobel Hoà Bình. Đối với người Tây Tạng, ông vẫn được xem là một vị Phật Sống và là Lãnh tụ tinh thần tối cao. Các bạn có thể tìm các video phỏng vấn ông trên YouTube. Ngoài đời ông là một người có lối nói chuyện thông minh, vui vẻ.
Seven Years In Tibet từ lâu đã bị cấm chiếu và lưu hành ở Trung Quốc vì phim mô tả chính quyền Trung Quốc như những kẻ ngạo mạn, vô lễ và hiếu chiến, đi ngược lại với nỗ lực xây dựng hình ảnh hoàn hảo của Trung Quốc đối với thế giới. Theo lịch sử ghi lại thì trong quá trình chiếm đóng Tây Tạng, đã có hơn 1 triệu người Tây Tạng bị giết. Chưa kể rất nhiều các tu viện, sách vở và di tích văn hoá bị phá huỷ. Bản thân Brad Pitt cũng đã từng bị cấm nhập cảnh vào Trung Quốc. Nhiều nghệ sĩ quốc tế khác cũng từng bị cấm hoạt động tại Trung Quốc vì có gặp gỡ hoặc có mối liên hệ trực tiếp/gián tiếp với Dalai Lama. Điển hình như cuộc gặp gỡ của Lady Gaga với Dalai Lama vào năm 2016 đã khiến Trung Quốc nổi giận.
Các bạn có thể đọc thêm ở đây: Trung Quốc đã thao túng Hollywood như thế nào
Năm 1952, Heinrich rời Tây Tạng trở về Áo để gặp gỡ con trai của mình. Lúc này vợ của Heinrich đã ly hôn với ông và có một gia đình mới. Phim kết thúc với cảnh Heinrich cùng con trai leo lên một đỉnh núi tuyết. Nơi đó, ông đã cắm cờ Tây Tạng và ngồi trầm ngâm bên lá cờ.
Mạch phim chậm rãi kéo dài trong 2 tiếng, nhưng đó là 2 tiếng thật sự xứng đáng. Đối với những bộ phim như thế này, tôi nghĩ chúng ta chỉ nên xem một mình để có thể tự nhìn nhận lại chính bản thân mình. Thật sự không ngoa khi nói rằng, Seven Years In Tibet là một trong những bộ phim đã khiến tôi hoàn thiện suy nghĩ và tính cách, chưa nói đến những kiến thức mà phim có thể mang lại. Tôi không chắc là bạn sẽ thích Seven Years In Tibet, nhưng nếu bạn thích, thì tôi tin là bạn cũng đã tìm thấy đâu đó trong phim những suy nghĩ và sự đồng cảm trong cách nhìn nhận của chính mình về cuộc đời ngắn ngủi này.