Bộ công cụ tiện ích cho việc work from home (WFH) của tôi lại vừa được bổ sung thêm một sản phẩm mới: Quạt mini để bàn Xiaomi Solove F5. Đồ của Xiaomi chưa bao giờ làm tôi thất vọng và lần này cũng vậy. Với mức giá vào khoảng 369,000đ, hơi cao so với một chiếc quạt mini nhưng theo cảm nhận cá nhân của tôi thì những gì mà nó mang lại khá xứng đáng với giá thành.
Ưu điểm
Ngoại hình của chiếc quạt rất đẹp, gọn, và tối giản, khác hẳn với những chiếc quạt truyền thống mà chúng ta thường thấy. Cảm giác cầm quạt trên tay cũng rất nhẹ. Chân quạt là chỗ đặt 2 viên pin có tổng dung lượng lên tới 4,000 mAh cho thời gian sử dụng lên tới 8 tiếng ở tốc độ chạy thấp nhất. Ở tốc độ thấp nhất thì gió thổi ra cũng khá mát, trong vòng 1,5m vẫn có thể cảm nhận được sức gió, tiếng quạt chạy cũng rất êm và dễ chịu và ở mức này, khá thích hợp để làm quạt ngủ cho em bé.
Quạt có 3 tốc độ chạy khác nhau. Để chuyển đổi qua lại giữa các tốc độ chạy bạn chỉ cần nhấn vào nút điều khiển duy nhất của quạt. Ngoài ra, bạn còn có thể nhấn giữ nút điều khiển để quạt xoay qua lại.
Cổng sạc Type-C và lốc máy bên trong rất nhỏ gọn |
Những khi cúp điện thì Solove F5 sẽ phát huy tối đa công dụng của nó với thời giạn sử dụng khá lâu. Với một củ sạc 5V - 1A thì bạn sẽ mất khoảng hơn 6 tiếng để có thể sạc lại đầy cho chiếc quạt này (thông qua cổng sạc Type-C). Khi sạc, đèn đầu tiên bên trái của quạt sẽ nhấp nháy màu đỏ, khi sạc đầy thì đèn sẽ đứng (vẫn đỏ) không nhấp nháy nữa.
Nhưng cả khi bình thường không cúp điện thì Xiaomi Solove F5 cũng giúp tôi có thể sống sót qua cơn nóng mà không tốn quá nhiều tiền điện. Bạn cũng biết rồi đấy, WFH thì đỡ được tiền xăng xe và thời gian đi lại nhưng bù lại thì làm việc ở nhà rất nóng nực, nhất là trong mùa hè mà bật máy lạnh cả ngày thì cực kỳ tốn điện, lại không tốt cho máy lạnh nếu phải chạy liên tục trong thời gian dài.
Nhược điểm
Nói về nhược điểm thì đầu tiên có lẽ là mức giá chưa thật sự tốt, vì với gần 400,000đ, bạn đã có thể mua được cả một chiếc quạt to rồi. Tuy nhiên, như tôi đã nói thì điều này có thể chấp nhận được so với những tiện ích mà chiếc quạt có thể mang lại. Nhược điểm thứ hai là khả năng điều khiển hơi bất tiện vì chỉ có một nút bấm duy nhất, do đó muốn tắt quạt thì bạn phải nhấn nút 3 lần mới tắt được (nếu đang ở tốc độ chạy thấp nhất). Và cuối cùng đó là đèn báo sạc pin chưa hợp lý. Lẽ ra khi pin được sạc đầy thì đèn nên chuyển sang ánh sáng trắng thay vì ánh sáng đỏ.
Khắc phục tiếng quạt kêu
Có một số bạn phản ánh là quạt hơi kêu, không rõ kêu ở mức độ nào nhưng chiếc quạt của tôi khi ở chế độ xoay thì nghe có tiếng rung nho nhỏ khi quạt đang ở biên độ xoay lớn nhất. Tiếng rung này không quá to nhưng lâu ngày nghe cũng hơi khó chịu. Cách khắc phục cũng khá đơn giản: Tôi đã tháo quạt ra, xịt thêm chất bôi trơn vào các chi tiết, sau đó dán thêm vài miếng silicon ở cả trong lẫn ngoài hộp quạt để triệt tiêu các dao động. Từ đó về sau thì quạt êm hẳn, không còn tiếng kêu lạ nữa.
Kết luận
Xiaomi Solove F5 là một chiếc quạt mà bạn nên có, nó khá phù hợp để làm quạt trợ mát trong phòng máy lạnh, hoặc ở những nơi có không gian nhỏ, chật hẹp. Xiaomi Solove F5 không phải là một chiếc quạt hoàn hảo, nhưng với nhu cầu sử dụng của tôi thì nó đã đáp ứng khá tốt nhu cầu. Hy vọng thông qua bài viết này, các bạn đã có thêm nhiều thông tin hơn để quyết định xem có nên tậu chiếc quạt mini này hay không. Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết.