Đặt lên bàn cân với Logitech K380, mỗi sản phẩm đều có điểm yếu và điểm mạnh riêng để cân nhắc. Trong khi Logitech K380 nổi bật với kết nối bluetooth với khả năng pair cùng lúc và chuyển đổi nhanh giữa 3 thiết bị khác nhau, nhưng lại có nhược điểm khá lớn là có thể xảy ra độ trễ (lagging) nếu bị xung đột tần số wifi hoặc khi kết nối với từ 2 thiết bị bluetooth trở lên. Ngoài ra khi mới khởi động lên, cần phải chờ ít nhất vài giây để bluetooth được kết nối trước khi bạn có thể bắt đầu gõ.
Ngược lại, Logitech MK240 không sử dụng kết nối bluetooth mà sử dụng USB receiver (không phai Unifying) để nhận tín hiệu do đó không có hiện tượng lagging như K380, cũng như tốc độ kết nối với thiết bị rất nhanh. Bù lại để chuyển đổi giữa các thiết bị, bạn phải tốn thời gian cho thao tác rút USB receiver ra và cắm lại vào thiết bị khác. Về cá nhân, tôi cho rằng bàn phím MK240 cho cảm giác gõ tốt hơn một chút so với K380 nhờ vào phím bấm vuông và hành trình của phím dài hơn. Về trọng lượng và kích thước thì không có sự chênh lệch quá lớn.
Tuy nhiên, bài viết hôm nay sẽ không tập trung quá sâu vào việc review MK240 bởi vì đã có rất nhiều những bài viết + video khác làm rất tốt việc đó rồi. Chủ yếu hôm nay tôi muốn chia sẻ về cách xử lý khi chúng ta làm mất hoặc hư hỏng USB receiver mặc định đi kèm theo. Nếu đã lỡ làm mất hoặc bị hư receiver, bạn đừng vội bỏ hoặc mua mới thiết bị khác thay thế. Chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng receiver của các thiết bị Logitech khác để thay cho receiver cũ bị mất. Cụ thể hơn, trong bài viết này, tôi sẽ sử dụng receiver của con chuột Logitech M170 để làm receiver cho MK240.
Dù cho receiver của MK240 và M170 đều không phải là loại Unifying nhưng Logitech đã rất tuyệt vời khi cho phép chúng ta sử dụng ứng dụng Logitech Connection Utility để "lập trình" lại receiver cho các thiết bị non-Unifying của Logitech.
Hãy tải về Logitech Connection Utility ở link sau: https://support.logi.com/hc/en-my/articles/360025141574
Đầu tiên, tôi sẽ cắm receiver của M170 vào laptop. Sau đó tôi mở ứng dụng Logitech Connection Utility. Ứng dụng sẽ yêu cầu bạn tắt và mở lại thiết bị để tiến hành pairing. Đối với con chuột MK240 thì dễ vì nó có công tắc. Đối với bàn phím MK240 không có công tắc thì bạn chỉ cần tháo pin ra và gắn lại là được. Chỉ đơn giản như vậy thôi, lúc này cục receiver sẽ được "lập trình lại" để có thể nhận được chuột và bàn phím MK240. Lúc này bạn có thể tháo cục receiver và gắn sang máy khác mà kết nối vẫn được giữ nguyên không cần phải pair lại. Thật sự quá tiện lợi và đơn giản. Cách làm cụ thể hơn các bạn có thể xem trong video tôi quay bên dưới:
Các thao tác để "lập trình" lại receiver của chuốt M170 dùng thay thế cho MK240
Cần lưu ý là lúc này, con chuột M170 sẽ không thể kết nối được với cục receiver của nó nữa, do cục receiver đã bị "chỉnh sửa" nhận chuột của MK240. Ngoài ra, với cách này bạn hoàn toàn có thể dùng bàn phím MK240 với một con chuột khác của Logitech trong trường hợp con chuột zin bị hư hỏng. Không còn nỗi lo ngại khi 1 trong 2 thiết bị bị hỏng thì tôi phải bỏ hoặc thay nguyên bộ mới.
Đơn giản vậy thôi, chúc các bạn có một ngày vui vẻ. Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết.