Bạn có thể yên tâm đây là một bài đánh giá cực kỳ khách quan vì tôi chẳng nhận được đồng nào từ HP hay FPT Shop. Chỉ đơn giản là cảm nhận từ một người dùng bình thường mà thôi.
HP 240 G8 hiện có khá nhiều phiên bản khác nhau được bán ở FPT Shop. Bản rẻ nhất sử dụng chip Pentium, Ram 4GB có mức giá vào khoảng gần 10 triệu đồng. Bản tôi mua là 12.599.000đ có cấu hình ở mức tầm trung với chip i3 1005G1, RAM 8GB DDR4 3200 Mhz, SSD Nvme2 512 GB, màn hình 14'' và không có card màn hình rời. Ngoài ra còn có bản i5 với mức giá và cấu hình ở mức cận cao cấp.
HP 240 G8 được tôi mua ban đầu là cho người nhà sử dụng. Khi chiếc Lenovo Thinkpad E15 bị hỏng, tôi phải mượn chiếc HP này để "chữa cháy". Nhưng sau một tuần sử dụng, tôi cảm thấy khá thoải mái khi sử dụng HP 240 G8 nên quyết định gắn bó lâu dài với nó.
So sánh với Lenvo Thinkpad E15
So với chiếc Thinkpad cũ: HP 240 G8 có một ưu điểm mà cá nhân tôi cho là vượt trội hơn: Khả năng nâng cấp với 2 khe gắn RAM, giúp bạn có thể chạy dual channel, (trong khi Thinkpad chỉ có 1). Vậy nên khi vừa nhận máy, tôi đã ngay lập tức gắn thêm 1 thanh RAM 8GB DDR4 3200 Mhz. Còn lại thì HP 240 G8 đều không thể so với Thinkpad E15, dù điều này là dễ hiểu do HP 240 G8 có mức giá thấp hơn E15 tới gần một nửa. Nhưng như vậy không có nghĩa là HP 240 G8 chịu lép vế hoàn toàn trước Thinkpad E15 đâu nhé.
Điểm yếu đầu tiên là con chip i3 của HP 240 G8. Con chip này dĩ nhiên yếu hơn con chip i5 thế hệ 10 của Thinkpad E15 nhưng với nhu cầu chính của tôi là làm các công việc liên quan tới lập trình automation test; sau đó là để học hành, giải trí, bao gồm cả chơi game thì HP 240 G8 hoàn toàn có thể đáp ứng tốt mà không gặp phải bất kỳ khó khăn nào.
Các tùy chọn nâng cấp cho laptop HP 240 G8
Điểm yếu tiếp theo là HP 240 G8 không có card màn hình rời mà sử dụng con chip GPU Intel Graphics UHD 600. Dĩ nhiên, bạn không thể chơi các tựa game khủng nhưng thật may là HP 240 G8 vẫn có thể chơi tốt 2 tựa game yêu thích của tôi là Shadow Tactics và Desperados III, dĩ nhiên không thể đạt mức 60 fps nhưng vẫn có thể coi là mượt, không có hiện tượng lag giật. Chỉ riêng điều này thôi đã là quá tốt rồi. Dĩ nhiên, nếu công việc kiếm cơm của bạn liên quan tới xử lý đồ họa, dựng video thì bạn nên kiếm một chiếc laptop khác.
Tiếp theo là HP 240 G8 sử dụng màn hình tấm nền TN nên góc nhìn hạn chế và màu sắc không được đẹp như IPS. Tuy nhiên, tôi không làm các công việc liên quan tới đồ họa; phần lớn thời gian tôi đều sử dụng màn hình ngoài nên việc này không ảnh hưởng nhiều lắm. Bù lại thì tấm nền TN có lợi thế giá rẻ, tần số quét cao (tốt cho gaming), không lo bị hở sáng và tiết kiệm điện năng nhiều hơn 15% so với tấm nền IPS.
HP 240 G8 có vỏ nhựa nên một số chỗ hơi ọp ẹp, nhưng nếu muốn bạn hoàn toàn có thể lót thêm nhựa mỏng hoặc bên trong vỏ máy để hạn chế vấn đề này. Bù lại, lớp vỏ nhựa mặt trong được làm giả phay xước nhìn khá đẹp. Và tôi cũng tin rằng lớp vỏ này khó bị bong tróc hơn so với loại vỏ được sơn phun bình thường trên các dòng máy giá rẻ vốn rất dễ bị sờn sau một thời gian đặt tay lên gõ phím. Dù vậy, tôi luôn sử dụng bàn phím và chuột rời nên đây cũng không phải là vấn đề lớn.
Số lượng cổng kết nối trên HP 240 G8 không nhiều nhưng vừa đủ với 1 cổng sạc chân kim, 1 cổng mạng LAN, 1 cổng HDMI, 2 cổng USB-A, 1 cổng tai nghe 3.5mm ở cạnh phải; cạnh trái bao gồm 1 cổng khóa và 1 cổng Type-C nhưng cổng này chỉ có thể dùng để truyền dữ liệu chứ không thể sạc power delivery (đây cũng là một điều đáng tiếc nếu so với Thinkpad E15). Để khắc phục điều này, tôi đặt mua một đầu chuyển từ Type-C sang cổng sạc kim để tận dụng củ sạc Baseus cho gọn nhẹ do củ sạc zin khá to và nặng.
Một điều đáng khen là dù có mức giá rẻ nhưng HP 240 G8 có nội thất bên trong nhìn khá đẹp chứ không hề có cảm giác rẻ tiền chút nào. Và nhất là cấu hình mặc định được trang bị RAM tần số 3200 MHz cùng ổ cứng SSD NVMe 512 GB. Với cấu hình sẵn có này, bạn chỉ cần nâng cấp nhẹ dung lượng RAM thì trải nghiệm tổng thể đã trở nên tốt hơn rất nhiều rồi.
Nội thất bên trong khá đẹp |
Mainboard của HP 240 G8 có hỗ trợ mở rộng dung lượng lưu trữ với giao tiếp SATA để bạn có thể gắn thêm HDD hoặc SSD nhưng tiếc là HP không gắn sẵn sợi cáp này vào mainboard (trong khi Thinkpad E15 lại có). Sợi cáp này có bán ở Việt Nam nhưng vấn đề là giá của nó khá mắc (tầm 250.000-300.000đ). Vậy nên tôi phải chọn đặt mua từ các nhà buôn Trung Quốc trên Lazada với mức giá chỉ tầm 40.000-50.000đ. Bù lại thì thời gian chờ khá lâu do vấn đề dịch bệnh khiến cho việc thông quan hàng hóa trở nên rất khó khăn và chậm chạp.
Cảm nhận sử dụng thực tế
Trung bình một ngày tôi thường ngồi ở văn phòng khoảng 8 tiếng đồng hồ. Và trong khoảng thời gian đó tôi sẽ cần cắm sạc một lần vào buổi trưa. Theo quan sát và ghi nhận của tôi thì cứ khoảng 5-6 tiếng tôi sẽ cần phải sạc lại laptop một lần, cũng có thể xem là khá ổn.
Nút nguồn của HP 240 G8 nhìn thì đẹp nhưng lại khó bấm. Để mở máy lên, bạn sẽ cần phải nhấn nút nguồn với một lực và độ sâu nhất định. BIOS của máy lại không hỗ trợ tùy chọn mở nguồn bằng phím bất kỳ. Mới đầu tôi cứ tưởng nút nguồn của máy mình bị lỗi nhưng sau đó thì nhận ra dòng máy này nút nguồn vốn là như vậy.
Khi CPU hoạt động lên tới gần 100% thì quạt của máy sẽ hoạt động và chiếc quạt này lúc chạy kêu hơi to. Tôi đã thử thay keo tản nhiệt cho máy nhưng không giảm tiếng ồn này được mấy. Dù tiếng quạt chạy không quá to và qua đi cũng nhanh nhưng cũng vẫn làm tôi cảm thấy hơi khó chịu chút.
Bàn phím của máy gõ tốt, cảm giác nhấn khá ổn, hành trình phím đủ sâu, không có cảm giác bị nông. Dù vậy thì tôi sử dụng bàn phím ngoài là chủ yếu. Chiếc bàn phím mà tôi đang sử dụng là Logitech MX Keys Mini thông qua kết nối bluetooth.
Touchpad của máy cũng ổn, hoạt động trơn tru dù diện tích bề mặt hơi nhỏ. Thỉnh thoảng nếu quên không mang chuột thì tôi vẫn có thể thao tác bình thường với bàn rê của máy để xử lý các tác vụ cơ bản mà không gặp phải cảm giác khó chịu.
Loa ngoài của máy không có gì đặc biệt, âm thanh không tệ nhưng cũng không có gì xuất sắc, thiếu bass, đủ để chống điếc. Đọc một số review trên mạng thì có một số người dùng đánh giá loa ngoài của máy thỉnh thoảng gặp tiếng kêu vụt qua, tuy nhiên tôi chưa gặp phải hiện tượng này. Có lẽ vì khi nhận máy về tôi đã tự tay format trắng ổ cứng và cài lại Windows, đồng thời gỡ bỏ tất cả những phần mềm do hãng tự cài vào máy (nhất là những phần mềm liên quan tới tối ưu âm thanh).
Micro của máy thì gọi là đủ để chống câm vì tạp âm khá nhiều. Nếu như bạn phải họp hành online nhiều thì vẫn nên trang bị cho mình một chiếc tai nghe với mic đủ tốt (gợi ý Logitech H111).
Camera của máy khá ổn với độ phân giải 720p, không quá sắc nét nhưng màu sắc khi thiếu sáng ổn hơn con Thinkpad E15 khá nhiều. Camera của E15 khi thiếu sáng độ bão hòa giảm rất sâu khiến cho hình ảnh về gần như đen trắng trong khi G8 không gặp hiện tượng này. Điểm trừ duy nhất là nó không được tích hợp nút gạt vật lý để che camera khi không dùng đến.
Kết luận
Nhìn chung với mức giá gần 13 triệu, HP 240 G8 đã làm tròn vai của một chiếc laptop trung cấp, không tệ chút nào, nhưng cũng không thể gọi là xuất sắc. Đối tượng sử dụng phù hợp của chiếc laptop này cá nhân tôi cho rằng là các bạn học sinh sinh viên hoặc nhân viên văn phòng (tùy vào cường độ và mục đích sử dụng đặc thù). Đối với đối tượng sử dụng chuyên nghiệp hơn như lập trình viên, kỹ thuật viên xử lý hình ảnh, âm thanh... các bạn nên tìm tới những dòng máy cao cấp hơn với chất lượng build tốt hơn.
Tự xếp mình vào đối tượng người dùng máy tính chuyên nghiệp, làm các công việc liên quan tới chuyên ngành phần mềm, tôi cho rằng chiếc máy này đủ để đáp ứng những đòi hỏi của tôi ở mức rất cơ bản (entry level). Tạm thời, tôi vẫn đang dùng chiếc máy này khá trôi chảy cho những công việc hàng ngày của mình, dù chưa biết được bao lâu thì máy sẽ tã.
Với thời gian sử dụng chỉ mới 3 tháng thì vẫn còn quá ngắn để có thể đi đến kết luận về độ bền của máy. Hy vọng tôi có thể sử dụng chiếc máy này trong khoảng thời gian tối thiểu từ 2-3 năm. Trong tương lai tôi sẽ gửi tới các bạn những cập nhật về chiếc máy này để các bạn có một cái nhìn rõ ràng hơn. Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết, chúc các bạn một ngày vui vẻ.