Thực ra kỹ thuật này không chỉ tồn tại ở Nhật Bản, trái lại, nó còn có mặt ở nhiều nơi khác trên thế giới với những tên gọi khác nhau nhưng về bản chất kỹ thuật là giống nhau. Ở Việt Nam, nghề sửa đồ này được gọi là "sang sợi" nhưng số lượng người duy trì nghề này không thật sự còn nhiều. Các bạn có thể đọc thêm bài viết sau về một người phụ nữ làm nghề "sang sợi" ở Hà Nội: Người phụ nữ 42 năm làm nghề vá "kỷ niệm" giữa lòng Hà Thành.
Video "The Magic of Invisible Mending" của kênh NHK WORLD-JAPAN
Cửa tiệm này được quản lý bởi ông Kataoka Tesshu, với hơn 40 năm kinh nghiệm lão luyện, cùng cô con gái Goto Yoshiko. Cả hai đã cùng nhau nghiên cứu những mẫu vải và học cách sử dụng kim một cách chính xác để dệt vải với khoảng cách giữa các sợi chỉ là 0.1mm.
Ngày nay, hầu hết chúng ta đều vứt bỏ áo quần khi chúng bị hư cũ. Tuy vậy, với những món đồ mang nặng giá trị tinh thần, nhiều người lại có mong muốn chúng được sửa chữa thay vì mua mới. Đó là lúc họ tìm đến hai cha con ông Kataoka.
Với hơn 2,000 đơn đặt hàng mỗi năm, cửa tiệm nhỏ của hai cha con gần như phải hoạt động hết công suất. Với mỗi món đồ cũ được đưa tới, Yoshiko sẽ đo đạc phần vải bị hư hỏng và cố gắng tìm vật liệu thay thế, thường là vải mặt trong của chính món đồ ấy.
Sau đó cô sẽ nghiên cứu cấu trúc sợi vải trước khi tiến hành dệt phần vải thay thế vào chỗ bị hư mòn. Đây là công đoạn quan trọng nhất, đòi hỏi sự tỉ mì, kiên nhẫn, và chính xác tuyệt đối. Người thợ may phải dùng tới kính lúp soi dưới ánh đèn để đảm bảo sự hoàn hảo cho từng đường kim mũi chỉ. Thông thường, sẽ mất khoảng 40 phút cho 1cm.
Thành phẩm sau khi sửa, bạn sẽ không thể nào tìm thấy được dấu vết hư cũ |
Cửa tiệm vốn chỉ là một nhà may nhỏ chuyên may quần áo theo yêu cầu. Tuy nhiên, tiệm đã sớm bị đóng cửa vì không thể cạnh tranh nổi với áo quần được sản xuất công nghiệp. Từ đó, ông Tesshu đã bắt đầu tự mày mò học kỹ thuật kaketsugi với mục đích ban đầu là để nuôi sống gia đình. Ông đã bỏ công để phân tích các mẫu vải và kỹ thuật dệt, sau đó tổng hợp chúng vào một quyển sổ tay.
Trong video phỏng vấn, ông Tesshu đã tâm sự rằng ông đã dành quá nhiều thời gian cho công việc. Điều ông hối hận nhất chính là đã không ở bên con nhiều hơn.
Quyển sổ tay với hàng trăm mẫu vãi và sơ đồ dệt đóng vai trò như một nguồn tư liệu ban đầu để Yoshiko có thể học hỏi. Cô đã miệt mài tập luyện ngày đêm để cuối cùng được cha chấp nhận trở thành một "đồng nghiệp" chính thức.
Yoshiko thậm chí còn được mời đến Mỹ để trình diễn kỹ thuật kaketsugi vào năm 2019. Trong buổi trình diễn, cô đã chọn mặc một chiếc áo khoác được may bởi chính cha mình. Dù ông chưa bao giờ nói ra nhưng đối với Yoshiko, đó là cách mà cha thể hiện rằng ông rất tự hào về cô. Cô nói: "Chiếc áo có ý nghĩa rất lớn đối với tôi, tôi sẽ trân trọng nó mãi mãi. Dù cho nó có bị sờn rách, tôi cũng sẽ sửa nó và mặc tiếp."
Người Nhật thật sự đã nâng tầm những công việc tưởng chừng đơn giản lên hàng nghệ thuật đòi hỏi rất nhiều sự nghiên cứu và học hỏi. Đây chắc chắn là một ví dụ điển hình cho câu tục ngữ "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh." Khi bạn yêu thích công việc của mình và dành một đam mê đủ lớn cho nó, công việc sẽ trở thành niềm vui và thành công sẽ tự nhiên tìm đến.
Tổng hợp và biên dịch bởi Gia Phi - Theo NHK