Do tính chất công việc phải ngồi nhiều tiếng đồng hồ trên máy tính mỗi ngày nên có một dạo tôi bị tăng cân (lên tới 85kg), bụng to tích mỡ, lưng bị nhức mỏi... Ý thức được sự quan trọng của sức khỏe nên tôi bắt đầu tập thể dục thể thao từ dạo đó. Bộ môn yêu thích cùa tôi là chạy bộ. Tuy nhiên, nơi tôi đang ở dù có đường chạy nhưng lại có khá nhiều chó thả rông và người đi xe máy nên việc chạy không được liên tục, hay bị gián đoạn khá khó chịu, nhất là vào mùa mưa thì không thể nào chạy ngoài đường được. Vì vậy, tội gắn bó với bộ môn yêu thích thứ hai là nhảy dây. Và như các bạn cũng thấy, trong blog của tôi có khá nhiều bài viết liên quan tới môn này.
Nhảy dây rất thuận tiện vì không đòi hỏi nhiều không gian, lại rẻ tiền, không phụ thuộc vào thời tiết nếu như nhảy trong nhà. Mỗi ngày sau giờ làm, tôi thường nhảy dây khoảng 2000-3000 bước kết hợp với các bài tập thể lực trong vòng 30-40 phút, có thể vừa tranh thủ xem một bộ phim nào đấy để thư giãn. Nhảy dây đúng cách và theo bài rất tốt cho tim mạch, kết hợp với việc hít thở giúp giảm căng thẳng, tăng sự tập trung. Cũng như các môn chạy, nhảy dây cũng có các chỉ số đo đạc giúp theo dõi và đánh giá mức độ hiệu quả của việc tập luyện.
Hiện nay, có khá nhiều thiết bị vòng đeo tay đã hỗ trợ tính năng đếm bước nhảy và theo dõi, đánh giá chỉ số như Garmin Venu Sq, Mi Band (từ phiên bản 5 trở lên)... Cá nhân tôi thì đang dùng chủ yếu Mi Band 6 để đếm bước nhảy. Tuy nhiên có một điểm ở các thiết bị đeo này khiến tôi vẫn chưa hài lòng đó là việc tôi không thể theo dõi số bước nhảy một cách real-time được. Để biết mình đã nhảy được bao nhiêu bước, tôi buộc phải dừng lại rồi check vòng đeo, gây cảm giác ngắt quãng khó chịu.
Còn một lựa chọn khác có phần tốn kém hơn là sử dụng sợi dây Smart Rope của TANGRAM với mức giá khoảng 2.000.000đ. Sợi dây này khi nhảy số bước sẽ được hiển thị ngay trước mặt người dùng bằng hệ thống đèn LED rất độc đáo và đẹp mắt cùng các chỉ số được đồng bộ trực tiếp với smartphone. Sản phẩm từng được gọi vốn trên Kickstarter và hiện đã được sản xuất thành phẩm. Tuy nhiên, việc khó đặt mua ở Việt Nam và mức giá khá cao là lý do chính khiến tôi không chọn giải pháp này.
Dây nhảy Smart Rope
Và thật may mắn là ứng dụng Jumpr đã ra đời, hoàn toàn miễn phí và rất ít quảng cáo. Khác với những ứng dụng đếm bước nhảy khác—bạn phải bỏ điện thoại vào túi quần thì mới có thể đếm được, với Jumpr, bạn chỉ cần đặt điện thoại ở góc tường, hướng về phía bạn với khoảng cách vài mét, ứng dụng sẽ dùng camera trước để đếm xem bạn đã nhảy được bao nhiêu bước rất chính xác. Một điểm hay nữa là bạn hoàn toàn có thể "nhảy gió", tức là không cần dây thật, chỉ cần đưa tay ra hai bên thì ứng dụng sẽ hiển thị trên màn hình một sợi dây ảo giúp bạn dễ hình dung. Tuy nhiên, tôi vẫn dùng dây thật để có cảm giác nhảy chính xác nhất.
Video quảng cáo ứng dụng Jumpr
Kết hợp và so sánh với Mi Band 6, Jumpr cho kết quả đếm rất chính xác, nó sẽ bắt dính được nhịp nhảy mỗi lần dây chậm sàn và tăng số đếm lên 1 đơn vị. Jumpr mang lại cho tôi cảm giác hứng thú hơn bao giờ hết khi nhảy dây vì giờ đây, tôi có thể nhảy một cách liên tục và liền mạch cho tới khi đạt tới kết quả mong đợi thì thôi. Trong lúc nhảy, chỉ cần liếc mắt lên màn hình điện thoại là tôi có thể biết được mình đã nhảy được bao nhiêu bước rất tiện lợi và dễ dàng. Có thể nói giờ đây, tôi đã có đủ các dụng cụ cần thiết để phục vụ cho môn thể thao yêu thích nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.
Source: https://www.youtube.com/shorts/vKhv-KPTCCc
Ngoài tính năng chính là đếm bước nhảy dây, ứng dụng hiện vẫn đang tiếp tục được phát triển để hỗ trợ các hoạt động khác như jumping jack, tâng bóng v.v... khá thú vị. Ngoài ra, đây cũng là một mạng xã hội thu nhỏ nơi bạn có thể kết nối với những người yêu vận động khác và theo dõi thành tích của nhau.
Ứng dụng có thể được tải về tại đây (phiên bản cho Android): https://play.google.com/store/apps/details?id=idv.kuma.app.jumpr&hl=en&gl=US. Với iOS, các bạn có thể lên AppStore để tìm kiếm. Chúc các bạn có những phút giây vận động vui vẻ, thoải mái và hiệu quả với Jumpr.