Rob khiến tôi nhớ đến 2 nhân vật: Thứ nhất là Simon Lee, một người Hong Kong đã cắt đứt mọi mối quan hệ với gia đình, sống dựa vào thức ăn thừa và ngủ ở công viên; Thứ hai là Christopher McCandless, một thanh niên người Mỹ đã cắt đứt tất cả sự ràng buộc với thế giới hiện đại để đi ngao du khắp nơi, câu chuyện về anh đã được dựng thành bộ phim Into The Wild. Cả hai nhân vật này đều là những extreme minimalist và họ đã không còn nữa, kết cục của họ có phần hơi bi thảm.
Rob sinh năm 1986, anh là một nhà hoạt động vì môi trường người Mỹ và cũng là một người ưa phiêu lưu mạo hiểm. Anh được biết tới vì đã tích cực giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề môi trường. Ngoài ra, anh còn là một nhà văn, diễn giả, và còn là đại sứ của tổ chức One Percent for the Planet.
Rob vốn cũng đã từng như bao người, sống một cuộc sống nặng về vật chất, được bao quanh bởi đồ đạc và tiền bạc. Ước mơ lúc trẻ của anh là sẽ trở thành triệu phú khi bước sang tuổi 30. Một ngày nọ vào năm 2011, anh chợt nhận ra anh muốn có một cuộc sống khác, một hành trình khác. Lúc ấy, Rob đang sống trong một căn hộ 3 phòng ngủ với rất nhiều đồ đạc xung quanh. Từng bước một, anh dần cắt giảm mọi thứ, bắt đầu bằng việc chuyển sang một căn phòng nhỏ hơn, rồi dọn vào một ngôi nhà tí hon với số lượng đồ đạc vừa đủ chất lên một chiếc xe đẩy. Vào thời điểm đó, Rob vẫn còn đang sở hữu khoảng 1,000 món đồ. Anh đã tìm cách cắt giảm số lượng xuống chỉ còn khoảng hơn 100 món để tiện cho việc đi du lịch. Và cứ thế 10 năm sau đó, Rob đã loại bỏ tất cả mọi thứ mà anh cho là không thật sự cần thiết trong cuộc đời mình.
Cắt bỏ thẻ an sinh xã hội (social security card) và giấy phép lái xe (driver's license), Rob cũng đồng thời bỏ luôn cả việc sử dụng xe hơi. Đối với anh, đó không chỉ là được sống một cách tối giản, đó còn là một lời tuyên bố, một cách để khiến mọi người nhận ra rằng chúng ta không thật sự cần quá nhiều thứ để sống một cuộc sống hạnh phúc, khỏe mạnh và có ý nghĩa.
Nhưng con số không phải là điều quan trọng, chúng ta phải hiểu rằng không phải cứ có càng ít đồ là càng tối giản. Tối giản vật chất là khi chúng ta chỉ có những món đồ mà chúng ta thật sự cần, không thừa, không thiếu, giúp cuộc sống của chúng ta được thuận tiện, thoải mái hơn. Đó là chưa kể đến tối giản tinh thần và các mối quan hệ. Đối với Rob, 47 là đủ, nhưng đối với người khác có thể sẽ cần nhiều hơn, hoặc thậm chí là ít hơn thế, tùy theo nhu cầu và tình huống thực tế của mỗi người.
Những món đồ của Rob cũng rất đơn sơ: Vài bộ quần áo, một đôi dép mòn, ít đồ dùng vệ sinh cá nhân, một bộ nồi gọn nhẹ đơn giản, một vài quyển sách mà anh ưa thích... Món đồ đắt giá nhất có lẽ là chiếc laptop mà anh dùng để liên lạc với thể giới bên ngoài. Anh thậm chí còn không dùng cả smartphone, một điều thật khó tưởng tượng trong thế giới hiện đại ngày nay.
Về danh tính cá nhân, Rob chỉ giữ lại hai thứ cơ bản nhất là giấy khai sinh và hộ chiếu. Anh cũng không có cả tài khoản ngân hàng hay thẻ tín dụng mà chỉ mang theo khoảng $3,700 tiền mặt. Rob gần như không có bất kỳ hóa đơn nào để chi trả hàng tháng, cũng như không phải lo lắng về bất kỳ khoản nợ nào. Anh cũng không tham gia bấy kỳ loại bảo hiểm nào, kể cả bảo hiểm xã hội, nhưng anh cũng không xin tiền từ thiện hoặc sống dựa vào trợ cấp xã hội.
Bí quyết của Rob là anh đã cắt giảm tối đa mọi chi phí, đưa nhu cầu sử dụng tiền của mình về mức thấp nhất, thấp hơn cả nhu cầu chi tiêu tối thiểu của một người trưởng thành trong xã hội hiện đại. Mục tiêu của anh là giảm thiểu tối đa sự liên kết với hệ thống tài chính, nhưng không cắt bỏ hoàn toàn. Rob cho rằng điều này giúp cho anh có thể tập trung tận hưởng những giây phút
được sống hiện tại một cách trọn vẹn và sâu sắc nhất
Khác với Simon Lee, vốn sống dựa vào thức ăn thừa hoặc từ thiện thì Rob vẫn có thể tự kiếm sống dù thu nhập của anh không cao. Ngưỡng đói nghèo liên bang (federal poverty threshold) được quy định ở Mỹ là $11,000/năm đối với người trưởng thành, và Rob kiếm được còn ít hơn con số đó. Dù vậy, Rob vẫn sống ổn vì mức chi tiêu của anh cực kỳ thấp. Công việc chính của anh là đi diễn thuyết. Ngoài ra, Rob còn có các nguồn thu nhập khác đến từ việc viết sách hoặc show truyền hình nhưng anh không đụng tới mà quyên góp 100% nguồn tiền đó cho các tổ chức bảo vệ môi trường phi lợi nhuận.
Rob thừa nhận lối sống mà anh đang duy trì không phải lúc nào cũng dễ dàng. Đôi lúc anh cũng cảm thấy khó khăn khi cần hoàn thành một công việc gì đó mà không có dụng cụ hỗ trợ. Khi được hỏi liệu anh có muốn tất cả mọi người cũng sống giống như anh hay không thì Rob ngay lập tức trả lời: "Chắc chắn là không!" Rob không hề phản đối việc sở hữu nhiều đồ đạc hay vật dụng. Anh chỉ muốn mọi người nhìn nhận lại mối liên hệ giữa chính bản thân mỗi chúng ta và những vật dụng xung quanh.
Rob cũng không có ý định sẽ duy trì lối sống này mãi mãi. Đây chỉ là một trong rất nhiều những trải nghiệm mà Rob đã và đang tiến hành. Thậm chí, anh còn có ý định sẽ thử sống một cuộc sống mà không sở hữu bất cứ món đồ nào (0 possessions) trong một khoảng thời gian nhất định.
Một video dài hơn được đăng tải trên chính kênh YouTube chính chủ của Rob, trong đó anh nói rõ hơn về hành trình tối giản của mình
Đối với cá nhân tôi, video về Rob khiến tôi phải suy nghĩ khá nhiều về những món đồ mà tôi đang sở hữu. Rob đã khiến tôi nhận ra rằng chúng ta không thật sự cần nhiều đến vậy để có thể có một cuộc sống hạnh phúc. Tôi cũng sẽ chẳng bao giờ có thể giảm thiểu được đồ đạc của mình xuống con số 47 và tôi cũng không có ý định trở thành một extreme minimalist. Đặc thù nghề nghiệp và đam mê bắt buộc tôi phải sở hữu những công cụ chuyên nghiệp để làm nghề một cách thuận tiện và dễ dàng hơn. Nhưng thông qua video này, tôi đã có thêm sự chắc chắn để buông bỏ những món đồ mà tôi còn đang phân vân cân nhắc. Ít đi một món đồ nhưng lại có thêm nhiều không gian, nhiều thời gian để chăm sóc bản thân và làm những điều chúng ta thật sự mong muốn. Less is more.