Sau đại dịch covid 2020, cũng đã 3 năm rồi tôi mới có dịp ra nước ngoài và cũng là lần đầu tiên tôi quay trở lại thăm đất nước Thái Lan. Lần này là để đi chơi hè cùng người thân trong gia đình. Ngày nay, việc đi du lịch nước ngoài đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, nhất là Thái Lan thì lại càng đơn giản vì Thái Lan không yêu cầu thị thực (visa) đối với công dân Việt Nam, và chi phí đi lại ăn ở cũng không quá đắt đỏ, thậm chí còn rẻ hơn du lịch trong nước ở một vài thời điểm nhất định.
Quyển hộ chiếu tôi làm lần đầu vào năm 2014 nay đã sắp hết hạn và vừa đổi sang quyển mới có gắn chip, nên đây cũng là dịp để tôi khai trương hộ chiếu. Bạn nào có nhu cầu tìm hiểu về thủ tục cấp mới hộ chiếu có thể tham khảo ở đây: Kinh nghiệm làm hộ chiếu online cho người lớn, trẻ em, và các vấn đề phát sinh
Vé máy bay thì tôi đặt trực tiếp trên trang chủ của Vietjet khoảng 2 tuần trước ngày đi, cũng không cần săn vé gì nhiều. Vì bay mùa hè nên giá vé cũng hơi cao, tầm 3tr2/người khứ hồi vào dịp cuối tuần. Vé có thể rẻ hơn nếu bay vào các ngày giữa tuần nhưng như vậy lại không tiện.
Sau khi đã có vé máy bay, tôi tiếp tục book khách sạn thông qua Agoda. Khách sạn mà tôi chọn lần này là Citin Pratunam, một khách sạn 3 sao nằm trong khu chợ Pratunam, cách trạm tàu điện Ratchapraprop khoảng 10 phút đi bộ. Giá vé cho phòng giường đôi king size vào khoảng 840k/đêm, phòng có thể ở được từ 2-3 người, và có option Pay at check in (trả tiền khi nhận phòng); thường tôi luôn cố gắng chọn khách sạn có option này để tránh rủi ro.
Hai ngày trước khi bay, tôi mua trước tiền Thái tại một điểm đổi tiền. Chỉ đi 3 ngày 2 đêm nên tôi đổi khoảng 6,000 baht Thái và 300 USD phòng hờ. Tới ngày đi chúng tôi bắt xe bus ra Bến Thành rồi bắt tiếp xe 152 (giá vé 5.000đ/người) ra sân bay Tân Sơn Nhất, xe dừng ngay trước ga quốc tế.
Tôi đi vệ sinh rồi lên thẳng lầu 2 tới quầy của Vietjet để làm thủ tục check-in. Vì không mang hành lý ký gửi nên thủ tục rất nhanh chóng. Những tưởng sẽ được trải nghiệm máy scan passport tự động mà tôi đã đọc được trên báo nhưng tôi vẫn phải qua line hải quan để các cán bộ check thủ công và đóng dấu xuất cảnh cho từng người một. Sau khi đã soi hành lý xong thì ra cổng lên máy bay ngồi chờ thôi. Hành khách ở phòng chờ khá đông, chỉ còn một vài chỗ ngồi lẻ tẻ sót lại.
Hôm đó máy bay cất cánh trễ tới gần 1 tiếng so với dự kiến, nên đáp xuống sân bay Suvarnabhumi cũng trễ hơn bình thường. Tuy nhiên làm thủ tục nhập cảnh thì khá nhanh và không phải chờ lâu. So với lần cuối tôi đi Thái thì nước bạn đã đổi con dấu xuất nhập cảnh có màu sắc bắt mắt hơn.
Sau đó chúng tôi di chuyển xuống tầng hầm để bắt tàu điện vào trung tâm thành phố, giá vé vẫn không đổi: 40 baht/người. Xuống ở trạm Ratchprarop, chúng tôi đi bộ hướng vào chợ Pratunam. Lúc này đã 2 giờ, buổi trưa lại chưa ăn gì nên chúng tôi khá đói bụng. Sẵn có một tiệm cơm gà ngay trên đường, tôi đẩy cửa bước vào luôn và gọi 2 suất cơm ngon lành cùng chai nước suối mát lạnh.
Nạp năng lượng xong, chúng tôi di chuyển vào trung tâm chợ Pratunam. Lúc này là đầu giờ chiều nên tiết trời vẫn còn khá nắng nóng. Vì là lần đầu tiên đặt phòng ở khách sạn này nên tôi tìm đường hơi lúng túng một chút. Thấy tòa nhà có chữ Citin tôi đẩy cửa bước vào nhưng lại không thấy quầy check-in ở đâu. Mãi sau có một nhóm du khách gần đấy chỉ tôi đi lại tòa nhà gần đó để nhận phòng. Ra là khách sạn này có 2 tòa nhà gần nhau mà tôi không biết.
Nhân viên của khách sạn khá lịch sự và vui vẻ. Tôi đưa hộ chiếu để họ scan và trả lại, sau đó nộp số tiền mặt bằng đúng số tiền mà tôi đã book trên Agoda. Họ cũng đồng ý cho quẹt thẻ visa nếu khách có nhu cầu. Một nhân viên bellboy dẫn chúng tôi lên tận phòng và hướng dẫn sơ qua những điều cơ bản cần biết. Phòng khách sạn tuy nhỏ nhưng sạch sẽ và đầy đủ tiện nghi, lại có người dọn phòng mỗi ngày. Tôi cảm thấy khá hài lòng với khách sạn nên đã vote 5 sao trên Agoda lẫn Google Maps.
Lúc này đã 3 giờ chiều hơn, ngoài trời vẫn còn khá nắng. Chúng tôi tắm rửa rồi làm luôn một giấc tới gần 6h chiều mới bắt đầu tản bộ ra ngoài, đi qua những con đường quen thuộc mà tôi đã từng đi trước đây. Đã về chiều tối nhưng không khí vẫn còn khá oi bức, nhưng rất may lại không có mưa. Đường phố ở trung tâm Bangkok vẫn luôn nhộn nhịp và hối hả, khách du lịch cũng rất đông đúc.
Ăn xong chúng tôi tiếp tục tản bộ ra đường, đi qua Big C ở phía đối diện để ngó qua xem có thứ gì có thể mua được về làm quà. Buổi tối ở đây cực kỳ đông, hàng dài người xếp hàng chờ thanh toán tiền. Chúng tôi chưa mua ngay mà chỉ mua ít trái cây mang về khách sạn ăn cho mát. Tìm mãi mới thấy có một hàng check-out chỉ có 2 bạn nữ (hình như là người Trung Quốc) đang đứng chờ thanh toán, mỗi người kéo theo một giỏ hàng rất lớn. Thấy tôi chỉ cầm có mỗi 2 gói trái cây, họ chủ động mời tôi lên thanh toán trước, rất dễ thương.
Bước ra đường, đi qua những con ngõ nhỏ chợt nhận ra cần sa (cannabis) đã được hợp pháp hóa và bày bán công khai ở Thái Lan. Dĩ nhiên tôi chỉ xem qua chứ không hút. Cần sa có mùi khá hôi và ám mùi trên râu tóc và quần áo rất lâu.
Về khách sạn nghỉ ngơi, tôi không quên chất vào tủ lạnh nước uống, trái cây tươi và sầu riêng mua từ Big C để ăn lai rai. Sầu riêng Thái thật sự rất rất ngon, bạn không nên bỏ qua loại quả này khi đến đây nhé. Kết thúc ngày đầu tiên ở Thái Lan, chúng tôi tắm rửa lại một lần nữa và ngủ một giấc ngon lành tới sáng.
Sáng hôm sau tôi dậy sớm, nên tranh thủ lên mạng đặt vé đi thủy cungSea Life Bangkok Ocean World. Tôi đặt trực tiếp trên trang chủ của Sea Life (https://www.visitsealife.com/bangkok/en/), lại ngay sát ngày nên giá không được tốt cho lắm. Nếu muốn giá tốt bạn nên đặt sớm và thông qua các đại lý như Traveloka, Agoda... nhé. Sau đó chúng tôi ra ngoài ăn sáng và tản bộ theo đường skywalk tới trung tâm thương mại Siam Paragon.
Trung tâm thương mại Siam Paragon nằm ở ngay trạm tàu điện. Đi xuống dưới tầng hầm theo bảng chỉ dẫn, bạn sẽ thấy thủy cung Sea Life dần xuất hiện. Vì đã đặt vé từ trước nên tôi chỉ cần đưa mã vé (dạng barcode) cho nhân viên scan là chúng tôi được đi thẳng vào trong, không phải đứng xếp hàng chờ mua vé. Lúc vào cửa, nhân viên thủy cung sẽ chụp cho bạn một tấm hình. Sau đó trong lúc bạn tham quan, họ sẽ in ra và bán cho bạn ở cửa ra. Nếu không có nhu cầu, bạn có thể từ chối.
Sea Life Bangkok Ocean World là một trong những thủy cung lớn nhất Đông Nam Á và của cả thế giới nên có thể bạn sẽ khá ngạc nhiên trước độ rộng lớn của thủy cung cũng như sự đa dạng của các loài thủy sinh vật ở đây. Ở đây còn cả sự xuất hiện của những chú chim cánh cụt dễ thương cùng các hoạt động tìm hiểu do ban quản lý thủy cung tổ chức. Bên trong thủy cung có rất nhiều điểm để chụp hình cũng như dừng chân nên bạn cứ đi thong thả. Trung bình bạn sẽ mất tầm 1-2 tiếng để dạo hết thủy cung. Giá vé có thể không rẻ nhưng rất đáng tiền.
Buổi trưa chúng tôi lại tiếp tục đi ăn. Lần này vẫn là món cơm giò heo nhưng là ở Big C. Cơm giò heo ở đây có vị hơi khác so với Central World, giá cả cũng mềm hơn những vẫn giữ được vị ngon đặc trưng của món cơm này. Và dĩ nhiên không thể thiếu được món chè Thái tráng miệng. Ăn xong chúng tôi đi xuống bên dưới Big C để mua quà cho người thân. Lúc này đang là giữa trưa nên chúng tôi hạn chế ra ngoài.
Mua quà xong, chúng tôi về khách sạn tắm rửa rồi lại làm một giấc ngon lành tới gần tối. Lần này chúng tôi ghé một tiệm cơm bình dân để ăn món cơm trứng thịt gà cay. Món này tôi rất thích ăn. Lúc còn kẹt ở Thái Lan trong lúc chờ về nước cách đây 3 năm vì covid, ngày nào tôi cũng ghé xe bán cơm của một cô người Thái để ăn món này. Dĩ nhiên một ly nước dâu mát lạnh là không thể thiếu vì cơm bên này thường không có canh.
Flashback: Bức ảnh này chụp vào ngày 21/06/2020, đây là xe bán cơm của cô người Thái mà tôi thường ăn mỗi ngày trong lúc nằm ở nhà trọ chờ về nước |
Ăn xong chúng tôi đi dạo quanh chợ Pratunam nhưng không mua thêm gì nhiều. Chủ yếu là window shopping. Trong chuyến đi này chúng tôi đã cuốc bộ khá nhiều. Cũng may ở Việt Nam chúng tôi vẫn thường xuyên tập luyện thể thao nên không cảm thấy quá đuối. Trên đường về khách sạn chúng tôi ghé vào một tiệm mát xa để mát xa chân. Cô chủ ra chào mời bằng tiếng Thái nhưng thật ra cô lại là người Việt. Bên trong các nhân viên cũng là người Việt và người Thái làm việc cùng nhau.
Nói chuyện với một bạn nhân viên mát xa người Việt, bạn kể bạn sang đây làm kiếm tiền gửi về nuôi con. Bạn không biết đọc viết tiếng Thái nhưng lại có thể giao tiếp bằng tiếng Thái khá tốt và tự nhiên. Cửa tiệm mở cửa từ chiều tới tối khuya. Giá vé cũng rất phải chăng, chỉ với 250 baht (khoảng 175k) cho 1 tiếng mát xa chân kèm mát xa lưng. Bạn có thể chọn các gói mát xa toàn thân hoặc các gói mở rộng, dĩ nhiên giá vé cũng sẽ cao hơn.
Kết thúc buổi tối bằng một giờ mát xa chân là một quyết định vô cùng hợp lý, chân cẳng như được "làm mới" sau hàng giờ cuốc bộ liên tục. Chúng tôi quay về khách sạn, không quên ghé 7-eleven để mua ít đồ ăn vặt và vài cây xiên nướng của một cô bán xe đẩy trước cửa khách sạn. Tôi quên không chụp hình cô nhưng các xe bán đồ nướng bên Thái thường trông như thế này:
Sáng hôm sau chúng tôi dậy sớm sắp xếp đồ đạc để chuẩn bị về lại Việt Nam. Chúng tôi ra ngoài mua đồ ăn sáng rồi đi bộ ra ga tàu điện để đi về sân bay Suvarnabhumi. Vậy là chuyến đi chơi ngắn đã kết thúc tốt đẹp. Tạm biệt Thái Lan, hẹn gặp lại một ngày không xa.