"Giá như" là một từ mang nhiều tiếc nuối. Một khi đã thốt ra hai chữ "giá như", phần lớn mọi việc đã trở nên quá trễ, khó lòng thay đổi. Biết là vậy, nhưng đôi khi không thể ngăn mình lại, thôi thì cứ nói ra để tự trách bản thân một chút, và lại tiếp tục cố gắng, dù có thể đã hơi muộn màng.
Ngày bé tôi thuộc dạng ham chơi lười học, dù cũng được coi là có chút tư chất, học hành cũng không đến nỗi nhưng lại mắc bệnh ảo tưởng, luôn tự cho mình là nhất. Tôi cũng có một số tài lẻ như vẽ vời, đàn hát nhưng không có cái nào thật sự rèn giũa được đến nơi đến chốn. Việc học hành thuở ấy với tôi chủ yếu là để đối phó, để không làm cha mẹ phải xấu hổ, để có được mảnh bằng vắt vai như bao người khác chứ không hiểu được bản chất của việc học và tại sao lại phải học.
Khi lên đại học, tôi bắt đầu cảm thấy chơi vơi, không hiểu mình đang học cái gì, lại sa vào đàn đóm ca hát, ăn chơi nhậu nhẹt cùng bạn bè. Bỗng một ngày tôi như bừng tỉnh, quyết tâm quay trở lại giảng đường, bán hết nhạc cụ, tập trung vào việc học lại thi lại. Điều buồn cười là nhiều bạn cùng lớp không nhận ra tôi là ai, đơn giản chỉ vì tôi ít lên lớp quá. Cũng thật may mắn, tôi tốt nghiệp và ra trường đúng hạn, tự mình đối mặt và vượt qua 2 môn học mà trước đó mỗi lần nghe đến tên tôi đều cảm thấy sợ hãi là Kỹ Thuật Lập Trình và Cấu Trúc Dữ Liệu.
Những tưởng tôi đã khác nhưng lại một lần nữa tôi trở nên lười nhác. Dù được may mắn nhận vào một công ty lớn và có nhiều cơ hội phát triển nhưng tôi lại không biết tận dụng triệt để. Tôi trở nên mất tập trung, làm việc thì ít mà lướt Facebook, đọc báo nhảm thì nhiều. Dù cho được nhận xét là có tiềm năng nhưng sự lười biếng và năng suất làm việc thấp đã khiến tôi vuột mất đi quá nhiều cơ hội.
Năm 2014, tôi như trúng số khi được cử sang Mỹ công tác và làm việc cùng khách hàng. Trước đó tôi chưa từng bao giờ ra nước ngoài, điều kiện gia đình cũng không cho phép tôi nghĩ tới việc đó. Tôi hăm hở lên đường, chuyến đi là một trải nghiệm cực kỳ đáng nhớ, nhưng kết quả công việc thật sự tệ hại (vâng, đúng là phải dùng chữ tệ hại), đến nỗi tôi bị khách hàng than phiền sau khi về nước. Đó quả là một cảm giác không lấy gì làm dễ chịu.
Những năm sau đó, mọi việc có khá hơn nhưng tôi vẫn chưa thể thay đổi. Mặt khác, khả năng tập trung của tôi ngày càng tệ dần đi, tôi thậm chí không thể làm việc được liên tục quá 15 phút mà không mở Facebook hoặc xem YouTube. Sau giờ làm tôi chẳng thiết tha gì việc tự học nâng cao trình độ mà chỉ biết về căn phòng trọ nằm xem phim hoặc hài nhảm. Tôi trở nên ù lỳ và ngại thay đổi dù đang ở độ tuổi sung sức nhất.
Năm 2019 là một năm có rất nhiều biến cố mang tính bước ngoặt. Hồ sơ visa H1B của tôi bị loại, thêm vào đó là xích mích với đồng nghiệp như giọt nước tràn ly khiến tôi quyết định nghỉ việc dù chưa hề nhận được offer. Một thời gian ngắn sau đó, bà nội tôi mất. Khoảng thời gian này tôi mặc dù thất nghiệp nằm nhà nhưng lại cảm thấy rất thoải mái, cả ngày chỉ nằm nghe truyện, xem phim, chiều mát thì đạp xe chạy ra bờ sông hóng gió. Tôi thậm chí đã nghĩ tới việc đăng ký chạy Grab cho nhẹ đầu, khỏi phải ngày ngày suy nghĩ với những dòng code, khỏi phải bực mình vì đồng nghiệp vớ vẩn, và khỏi phải chịu áp lực đè nén từ cấp trên.
Nhưng, lại một lần nữa, cảm giác như có ai đó không để tôi buông xuôi (cho đến giờ tôi vẫn nghĩ đó là bà nội), tôi lại ngồi dậy kiếm việc, rải CV đi phỏng vấn, tôi chẳng có gì để mất, như trong bộ phim hoạt hình Sing mà tôi đã từng xem, có một câu nói rất hay từ nhân vật Moon, đại ý là: "When you're at the bottom, there's only one way to go, and it's up". Lần này tôi may mắn được nhận vào agoda Thái Lan sau 6 vòng phỏng vấn, công ty lo hết mọi chi phí giấy tờ, tôi lại khăn gói quả mướp bắt đầu một hành trình mới, ở một đất nước mới.
Và, thực tế nghiệt ngã lại một lần nữa như tát vào mặt tôi. Những giây phút hứng khởi ban đầu qua đi rất nhanh, nhường chỗ cho sự căng thẳng, lo lắng vì công việc trở nên quá khó đối với tôi. Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, có quá nhiều thứ tôi không biết, không hiểu. Lúc đấy tôi thậm chí đã chuẩn bị sẵn tâm lý không thể vượt qua được thử việc và có thể bị đuổi về nước bất cứ lúc nào.
Dù vậy, lần này tôi đã không buông xuôi, mỗi cuối tuần tôi đều đi bộ lên công ty và ngồi tự research, tìm hiểu, thực hành. Việc giám sát chặt chẽ ở công ty và áp lực công việc cũng khiến tôi không còn thời gian để lướt mạng xã hội. Dần dần công việc đã không còn quá khó, tôi ngày một thích nghi hơn, và khả năng tập trung cũng được cải thiện đáng kể.
Một năm sau đó, tôi chủ động trở về Việt Nam nhưng tâm thế đã rất khác, tôi trở nên tự tin hơn, thái độ làm việc chuyên nghiệp hơn. Tôi nhanh chóng kiếm được công việc mới. Lần này tôi đã không còn lười nhác, tôi bắt nhịp với dự án rất nhanh, phối hợp nhịp nhàng với đồng nghiệp, khách hàng, và đạt được một số thành tựu nhất định, công việc trở nên ổn định với những phúc lợi hấp dẫn. Điều tuyệt vời nhất là tôi vẫn giữ được thói quen tự học, tự nghiên cứu mỗi ngày. Từ chỗ ù lỳ, tôi lại không thể ngồi yên. Lại một lần nữa, tôi lại muốn lao ra ngoài tìm kiếm những thử thách mới.
Bây giờ đã là năm 2024. Trong cuộc sống, tôi dù không phải là giàu có gì nhưng thật sự không có gì để mà than phiền: Tôi không phải đi thuê nhà, có công việc và thu nhập tốt, có nhiều thời gian dành cho gia đình. Tôi đang đứng ở một nơi rõ ràng không phải vạch đích, nhưng cũng là mơ ước của nhiều người. Nhưng, lại một lần nữa, tôi cảm thấy chơi vơi. Tôi luôn tự hỏi mình phải làm gì tiếp theo? Liệu tôi có nên mạo hiểm một lần nữa? Nhưng thật sự thì đó chỉ là một câu hỏi tu từ mà không ai khác ngoài tôi có thể trả lời được.
Người ta nói đừng nên nên hối hận vì những gì mình đã làm, hãy hối hận vì những gì mình chưa làm, và chính xác là như vậy. Tôi thật sự tiếc vì mình đã không nhận ra cái gì là phù hợp và có ảnh hưởng với mình nhất, vì đã không tập trung vào những giai đoạn quan trọng trong cuộc đời mà mải phí hoài thời gian vào những chuyện vô bổ. Dù cho "muộn còn hơn không", tôi đã may mắn kịp thức tỉnh nhưng rõ ràng, tôi đã đi chậm hơn so với những người khác tới vài năm. Lẽ ra tôi đã có thể ở xa vạch xuất phát hơn. Lẽ ra ...
Nếu như có cỗ máy thời gian, tôi sẽ như nhân vật Red trong The Shawshank Redemption, sẽ gặp lại chính mình thuở còn ngu dại, "I wanna talk to him. I wanna try and talk some sense to him, tell him the way things are. But I can't. That kid's long gone. This old man is all that's left. I gotta live with that."